Hội thảo: “Vai trò của cộng đồng trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp bền vững”

Trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày quốc tế về phòng chống sa mạc hóa 17.6, ngày 18 tháng 6 năm 2018, tại TP Lào Cai, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tổ chức Hội thảo: “Vai trò của cộng đồng trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp bền vững”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu, đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp, Phân Viện Đại học Nông lâm Thái Nguyên tại TP Lào Cai, lãnh đạo Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam và đại diện Tổ chức hợp tác lâm nghiệp CHLB Đức GIZ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam ICRAF, CIFOR

Ảnh: GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng TCLN, phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định rằng đây là hội thảo quan trọng không chỉ hưởng ứng ngày quốc tế về phòng chống sa mạc hóa mà đây còn thể hiện ý chí, quyết tâm trong hành động của Việt Nam trong việc quản lý sử dụng đất bền vững. Ở quy mô toàn cầu, công ước về phòng chống sa mạc hóa tập trung vào phòng chống suy thoái đất và phòng chống suy thoái đất tức là phòng chống sa mạc hóa. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 4 tỷ héc ta có nguy cơ bị suy thoái, có liên quan đến hơn 1 tỷ người và diễn ra khoảng 110 quốc gia và vũng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, suy thoái đất diễn ra mạnh mẽ ở 4 vùng: Tây Bắc, Duyên Hải Miền Trung, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trên phạm vi cả nước, diện tích đất có nguy cơ bị suy thoái khoảng 10 triệu héc ta (chiếm khoảng trên 30% diện tích đất tự nhiên), tính riêng trong lĩnh vực Lâm nghiệp, diện tích này là khoảng 1,7-1,8 triệu héc ta. Suy thoái đất được coi là một trong ba loại thiên tai lớn (xếp thứ ba) sau bão lốc và lũ lụt. Ngành lâm nghiệp được nhà nước giao quản lý 16,2 triệu héc ta đất trong đó 14,4 triệu héc ta là đất có rừng (10,2 triệu héc ta là rừng tự nhiên, 4,2 triệu héc ta là rừng trồng), còn lại 1,8 triệu héc ta đất chưa có rừng. Quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp bền vững, gắn liền với việc sử dụng đất có rừng, không chỉ là phát triển rừng tốt mà còn là để tạo ra sinh kế cho người làm rừng, cho người sinh sống quanh rừng. Quản lý, sử dụng đất bền vững còn là để thực hiện được mục tiêu quốc gia về lĩnh vực lâm nghiệp, được đề cập trong đề án tái cơ cấu và triết lý phát triển lâm nghiệp trong luật lâm nghiệp

Diện tích đất lâm nghiệp phân theo chủ sở hữu ở Việt Nam rất manh mún và phân tán. Theo thống kê Việt Nam có 1,1 triệu chủ rừng với 7,1 triệu lô rừng. Rừng được quản lý bởi cộng đồng thôn khoảng gần 3 triệu héc ta. Toàn quốc có khoảng 24 triệu người dân có sinh kế liên quan đến rừng, trong đó có khoảng 10 triệu người là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Với chủ trương xã hội hóa nghề rừng diễn ra mạnh mẽ và tiếp tục được khẳng định trong Luật lâm nghiệp thì vai trò của cộng đồng ngày càng được nâng lên. Cộng đồng không chỉ tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, mà còn là những chủ rừng đích thực. Tuy nhiên, với diện tích đất có hạn, bình quân đầu người sử dụng đất lâm nghiệp khoảng 0,66 héc ta, theo tính toán, mỗi năm, do tăng dân số, diện tích đất lâm nghiệp bình quân đầu người sẽ giảm 130 m2. Khả năng tự phục hồi của đất luôn có giới hạn và có điều kiện. Do đó, sử dụng đất bền vững là tổng thể các giải pháp trong đó có sử dụng khoa học công nghệ (thâm canh, nhận biết quá trình suy thoái, phục hồi của đất đặc biệt là đất dốc).

Ảnh: Ông Tô Mạnh Tiến, Phó GĐ Sở NN&PTNT Lào Cai, phát biểu tại hội thảo

Trình bày tại hội thảo, các diễn giả đã khái quát tình hình thoái hóa đất ở Việt Nam, những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho việc cải thiện tình trạng này.

Trong bài trình bày của mình, TS. Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ KH KT và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay 30% diện tích đất tự nhiên của Việt Nam bị suy thoái, chủ yếu là trên diện tích đất nông nghiệp với trên 846,2 nghìn héc ta, diện tích đất ngập nước gây nên là 135 nghìn héc ta và diện tích rừng bị suy thoái là 125,8 nghìn héc ta. Nguyên nhân sa mạc hóa có nhiều, nhưng chủ yếu là do con người tác động tiêu cực lên đất đai làm thay đổi trạng thái sinh, lý hóa của đất.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu, trên cơ sở thực trạng của địa phương và kinh nghiệm công tác, đã cho ý kiến bình luận về các chủ đề được trình bày tại hội thảo.

Nhìn chung, suy thoái đất ở các tỉnh Tây Bắc diễn ra phần lớn là do đời sống của người dân địa phương khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, đốt nương làm rẫy, chăn thả gia súc và bỏ hóa đất đai. Từ đó, để ngăn chặn suy thoái đất và thu hút người dân vào bảo vệ và phát triển rừng, việc nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực này được đặt thành trọng tâm. Tuy nhiên, việc tìm ra biện pháp nào là phù hợp nhất đối với mỗi vùng, mỗi địa phương cần được xây dựng trên cơ sở tham vấn và nghiên cứu kỹ càng. Dẫn chứng cho thấy việc gây trồng cây thảo quả, vốn đang được áp dụng ở một số địa phương do nhu cầu đầu ra và phù hợp với điều kiện sinh trưởng dưới tán rừng, lại là nguyên nhân dẫn đến suy thoái rừng. Minh chứng cho việc này, ông Tô Mạnh Tiến, Phó GĐ Sở NN&PTNT Lào Cai chia sẻ, theo kết quả nghiên cứu, cứ mỗi 1 kg thảo quả sấy cần 50 kg củi. Để có nhiên liệu cho sơ chế, người dân đã khai thác cây tái sinh dưới tán rừng. Vì vậy, Lào Cai không khuyến khích gây trồng rộng rãi loài cây này. Cụ thể là không cho trồng thảo quả dưới tán rừng đặc dụng và từng bước xóa bỏ việc trồng loại cây này dưới tán rừng phòng hộ, chỉ cho phát triển cây thảo quả dưới tán rừng sản xuất.

Biện pháp khuyến khích trồng cây sơn tra cũng đang được áp dụng ở các địa phương vùng Tây Bắc, đặc biệt là Yên Bái. Tuy nhiên, do là cây ưa sáng nên chỉ có thể áp dụng trồng ở vùng đất trống, đất sản xuất giao cho các hộ gia đình nên mô hình này tuy làm tăng thu nhập cho người dân nhưng chưa thực sự gắn với phát triển rừng.

Ở Lai Châu, tỉnh đã triển khai các đề án hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ gia đình nhận trồng cây quế, cây sơn tra, mắc ca. Thời gian qua, nguồn thu từ chi trả DVMTR, mỗi héc ta rừng được bảo vệ sẽ nhận được trên 300.000 đồng, đang là nguồn tài chính quan trọng trong thu hút người dân vào bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là khuyến khích khoanh nuôi tái sinh rừng nghèo ở Lai Châu. Tuy nhiên, việc trồng cây mắc ca được các nước trên thế giới như Úc gây trồng một cách hạn chế. Ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo chính quyền cũng như nông dân các tỉnh Tây Nguyên cần thận trọng trước khi mở rộng diện tích cây mắc ca.

Một nguyên nhân khác nữa là do đầu tư ngân sách cho ngành lâm nghiệp thấp, người dân không mặn mà tham gia vào bảo vệ rừng. Theo ông Nguyễn Phúc Cường, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái chia sẻ chi trả tiền cho người dân bảo vệ rừng, tính trung bình mỗi năm, mỗi hộ gia đình chỉ nhận được khoảng 3 triệu đồng, chỉ đủ mua con lợn “cắp nách” ông ví von.

Ảnh: PSG.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Lâm học, Trường ĐH LN, phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Ông Nguyễn Phúc Cường, Phó GĐ Sở NN&PTNT Yên Bái, phát biểu tại Hội thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ thực trạng thoái hóa đất đai ở Việt Nam và các biện pháp giảm thiểu, PGS.TS Lê Xuân Trường, trưởng khoa Lâm học trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng độ che phủ rừng ở các tỉnh tăng là một điều đáng mừng, tuy nhiên cần chú trọng đến chất lượng rừng. Diện tích rừng giàu, rừng có giá trị cao không nhiều, chủ yếu là rừng trồng, rừng phục hồi, rừng suy thoái. Do đó, các chính sách cần tập trung vào việc làm thế nào để tăng giá trị rừng. Ngày nay, nhận thức của cộng đồng ở các địa phương về giá trị của rừng được cải thiện đáng kể so với trước đây (rừng cung cấp nguồn nước, cung cấp cho họ tư liệu sản xuất, bảo đảm sinh kế). Tuy nhiên, thực tế công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc như các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, ông chia sẻ thực trạng rừng ở đây đang “diễn thế nhân tạo theo chiều hướng suy thoái”. Cụ thể, người dân chặt rừng trồng lúa nương, sau đó đến ngô, sắn, dong riềng và cứ sau mỗi chu kỳ canh tác đất bị bạc màu và dẫn đến không thể canh tác được. Diện tích đất bỏ hoang khó có thể phục hồi và trồng rừng (có những nơi đất đã trơ tầng đá mẹ). Do đó, để sử dụng đất bền vững, chống suy thoái đất, nhà nước cần có chính sách giữ rừng ngay từ đầu một cách bền vững. Nhìn nhận rằng rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế trước mắt mà phải phát huy giá trị theo chiều hướng môi trường.

Bà Rebica Udan, đại diện GIZ cho rằng các biện pháp có thể là rất tốt tuy nhiên nếu người dân không chấp nhận thì biện pháp đó cũng không thể áp dụng. Do đó, với mỗi giải pháp, chúng ta cần phải tính toán chi phí và lợi ích, cùng một lúc phải đưa ra nhiều giải pháp khác nhau và lựa chọn cho phù hợp nhất đối với đối tượng cần áp dụng.

Ảnh: Ông Phan Thanh Xuân – Chủ tịch CLB LN Việt Nam (VFC) phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Thanh Xuân, Chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam, dẫn lời hai câu thơ nổi tiếng của nhà văn hóa Pháp: “Hồn tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm/ Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong.” để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của rừng. Ở Việt Nam, rừng giàu, là loại rừng tối ưu làm giảm suy thoái đất, có diện tích không lớn. Do đó cần phải có chính sách và biện pháp phù hợp để bảo vệ và phát triển rừng nghèo. Nguồn thu từ chi trả DVMT rừng đang là nguồn có đóng góp quan trọng cho bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thu từ chi trả DVMT rừng chủ yếu là nguồn thu từ các nhà máy thủy điện, nhiều đối tượng khác đang sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa phải chi trả. Do đó, cần có quy định cụ thể hơn cho các đối tượng khác như sử dụng nguồn nước cho nuôi cá, dịch vụ du lịch, thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, cảnh quan,…. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tài chính đổi mới trong lâm nghiệp như hình thành thị trường tín chỉ carbon. Song song với việc xây dựng chính sách, ngành Lâm nghiệp Việt Nam cần tăng cường truyền thông và vận động chính sách nhằm tranh thủ được sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội đối với các cơ chế tài chính mới để có nguồn kinh phí tạo bước đột phá cho phát triển Lâm nghiệp môi trường.

Cao Thanh – VFC

 

Tin Liên Quan