Trong chuỗi các sự kiện nhân kỷ niệm 58 năm ngày Truyền thống ngành Lâm nghiệp, chúng tôi, những người làm Lâm nghiệp, lại có dịp về thăm lại trường xưa, Trường Đại học Lâm nghiệp. Buổi chiều Hà Nội se lạnh, cái lạnh đầu mùa tuy buốt giá nhưng không làm lung lay quyết tâm được thăm lại trường xưa của những nhà lâm nghiệp lão thành, những người đã một thời giảng dạy, nghiên cứu và những người đã có đóng góp rất lớn vào việc hình thành và phát triển nhà trường.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu khách mời của nhà trường. Cùng đi với đoàn còn có các bác cựu giảng viên, các cựu sinh viên và sự hiện diện đặc biệt của bác Trần Sơn Thủy, nguyên là Quyền Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, là một trong những người tiên phong đặt nền móng đầu tiên xây dựng Trường Đại học Lâm nghiệp, sau khi có quyết định chuyển từ Quảng Ninh về Thị trấn Xuân Mai ngày nay. Tôi may mắn là người trẻ tuổi nhất được tham dự chuyến thăm đầy ý nghĩa này.
Đón đoàn là ban lãnh đạo nhà trường. Sau khi nghe GS.TS. Phạm Văn Chương, Phó Hiệu trưởng giới thiệu về kế hoạch thăm trường, đoàn đã đi thăm khu rừng thực nghiệm, còn được gọi là Núi Luốt. Năm 1984, khi rời trường từ Đông Triều về Xuân Mai, nơi đây còn rất hoang sơ, đồi núi trọc. Bằng sức lực, trí tuệ và tâm huyết của các thế hệ thầy và trò nhà trường, qua thời gian, đã kiến tạo thành một khu rừng rất đẹp với đa dạng về loài và nhiều loài cây bản địa quý hiếm.
Thời gian trôi thật nhanh, khi tôi còn học tại trường, những cây bản địa còn rất nhỏ được trồng trong điều kiện che bóng dưới tán rừng thông. Đến nay, cây bản địa như Lim xanh, Đinh, Sưa đã vượt tán lên tầng trên để thay thế những cây thông, cây keo đã già cỗi. Có một điều rất thú vị là khu rừng đã hoàn toàn trở thành hệ sinh thái rừng tự nhiên nhưng được hình thành từ chính bàn tay của con người. Theo lời thầy Chương thì rừng đã được thành phố quy hoạch là rừng đặc dụng và nhà nước đang xem xét để đưa khu rừng trở thành vườn quốc gia.
Đóng góp vào sự đa dạng thành phần loài tại rừng Núi Luốt phải kể đến sự góp sức của Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, một trong các viện trực thuộc trường là nơi nghiên cứu và thử nghiệm các giống cây ưu việt phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ viên chức và sinh viên nhà trường. Hiện nay Viện đã và đang nhân giống các loài cây thuốc quý hiếm phục vụ cho thương mại, đây là một hướng đi mới mở ra nhiều triển vọng trong tương lai của ngành Lâm nghiệp.
Rời Nhà truyền thống, chúng tôi được mời về hội trường. Ở đây chúng tôi rất vinh dự được GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường, đón tiếp. Điều làm các thành viên trong đoàn xúc động là buổi đón tiếp được nhà trường tổ chức rất trang trọng trong không khí đầm ấm. Mở đầu là những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang dấu ấn lâm nghiệp do sinh viên nhà trường tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng điểm lại những thành tựu mà nhà trường đã đạt được và định hướng hoạt động của trường trong tương lai. Chính sự tập trung trí tuệ, đoàn kết xây dựng định hướng của Ban Giám hiệu nhà trường là niềm tin tưởng, niềm tự hào mang đến cho những cán bộ lão thành khi về thăm trường.
Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo của nhà trường đó là việc liên kết với các trường danh tiếng trên thế giới để đào tạo cử nhân và Thạc sỹ lâm nghiệp bằng tiếng Anh. Với việc làm này, nhà trường đã đón tiếp nhiều sinh viên quốc tế đến để nghiên cứu, học tập mà trước đây chỉ có du học sinh Lào và Campuchia đến học theo học bổng của Chính phủ. Ngoài ra, việc mở rộng đào tạo và xây dựng Phân hiệu ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang là một hướng đi đúng và thể hiện thương hiệu, vị thế của nhà trường là tổ chức đào tạo cán bộ cho ngành lâm nghiệp trong nước cũng như khu vực và quốc tế. Ngoài ra việc tạo nguồn cho các địa phương thông qua việc đào tạo bậc phổ thông dân tộc nội trú sẽ được mở rộng cho nhiều đối tượng. Ý tưởng thành lập trường THPT trong trường đã được UBND thành phố Hà Nội xem xét và phê duyệt và một ngôi trường phổ thông trung học mang tên Lâm nghiệp sẽ ra đời trong nay mai.
Tiệc chia tay diễn ra trong không khí thân mật, chúng tôi lại trở về Hà Nội, về lại nơi có những tòa cao ốc hiện đại, ánh đèn đường lấp lánh và để lại đằng sau những cánh rừng xanh mướt và bầu không khí trong lành. Cảm giác lưu luyến vương lại trong tâm trí mỗi thành viên.
Trân trọng cảm ơn nhà trường và hẹn gặp lại trong một dịp thích hợp.
Cao Xuân Thanh – Cựu sinh viên khoa Lâm học,