Điểm báo ngày 27/9/2017

ĐIỂM BÁO LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
(Ngày 27 tháng 9 năm 2017)

Quặng tặc ngang nhiên tàn phá rừng đặc dụng ở Cao Bằng
UBND huyện Nguyên Bình đã thành lập một tổ chốt trực, dựng các tấm biển cấm nhưng quặng tặc vẫn đào xới đất đá để đào đãi quặng sa khoáng và khai thác trong các hang sâu.

Xung quanh cánh rừng đặc dụng này, Ban Quản lý đã dựng các tấm biển cấm nhưng có vẻ như các đối tượng khai thác quặng trái phép ở đây lại không mấy quan tâm đến ý nghĩa của những tấm biển này.

Dù bị cấm nhưng quặng tặc vẫn đào xới đất đá để đào đãi quặng sa khoáng và khai thác trong các hang sâu. Để tăng cường kiẻm tra giám sát, UBND huyện Nguyên Bình đã thành lập một tổ chốt trực gồm có 5 cán bộ tại cửa rừng, ở gần điểm nóng Ca Mi. Tuy nhiên, chốt trực này chỉ kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng người dân địa phương khai thác quặng lộ thiên, còn những quặng tặc manh động liều lĩnh hoạt động trong hang lại không làm gì được.

Địa phương cấp thị trấn báo cáo lên huyện vì không đủ lực lượng xử lý. Phía huyện cũng đã thực hiện nhiều đợt truy quét nhưng đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trong khu rừng đặc dụng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Quặng tặc cố thủ trong hang, ngang nhiên nổ mìn, đưa máy móc vào tận thu khoáng sản.

Theo quy định, ngoài chính quyền địa phương, việc quản lý tài nguyên khoáng sản rừng đặc dụng, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng. Vậy chủ khu rừng đặc dụng Phia Oắc này đã ở đâu trong suốt thời gian qua?

Không có cán bộ, không có công cụ hỗ trợ, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, thế nên, dù có kiểm tra, thu giữ nhiều dụng cụ khai thác của người dân và các máy móc đào đãi của các đối tượng cũng không chấm dứt được nạn quặng tặc hoành hành. Trong khi chủ rừng và cơ quan chức năng ở địa phương như đang bất lực trong cuộc chiến bảo vệ rừng, cứ thêm một ngày, cây cối, khoáng sản ở khu rừng Phia Oắc này lại bị mất đi vì quặng tặc tàn phá! (VTVNews 26/9; VTV1 – Bản tin 24h lúc 11h30 ngày 26/9)

Sơn La: Hàng loạt đơn vị vi phạm SDĐ nông, lâm trường quốc doanh
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị 11/CT-TTG ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn.
Thanh tra tại 13 đơn vị trực tiếp sử dụng đất (SDĐ) có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh cho thấy, hầu hết các đơn vị đều vi phạm.
Công ty (Cty) Cổ phần (CP) Giống bò sữa Mộc Châu chưa sử dụng hết diện tích đất được thuê.
Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Mộc Châu có 9.908m2 đất tại huyện Vân Hồ chưa sử dụng, không quản lý tốt đất nông nghiệp được thuê nên đã để xảy ra tình trạng một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp được thuê.
Cty TNHH Nhà nước MTV Nông nghiệp Tô Hiệu đã hết thời hạn thuê đất từ 31/12/2015 nhưng vẫn đang sử dụng và chưa được Nhà nước gia hạn SDĐ. Khu đất xây dựng nhà máy chè đen, Cty chỉ nộp tiền thuê đất từ năm 2014 – 2016 là 9,887m2, không nộp theo diện tích 16.345m2 thuê đất theo Quyết định số 39/2014 của UBND tỉnh. Mặc khác, Cty không khai lại hồ sơ nộp tiền thuê đất theo diện tích đất được Nhà nước cho thuê và thực tế sử dụng với cơ quan thuế theo Thông tư 156. Vì vậy, từ ngày 10/1/2014 đến hết năm 2016, Cty chưa nộp tiền thuê đất cho diện tích là 6.458m2. Bên cạnh đó, thời hạn thuê đất đã hết từ ngày 1/1/2016 nhưng đến nay Cty vẫn đang sử dụng và chưa được Nhà nước gia hạn SDĐ.
Tại khu đất nông nghiệp các xã Nà Bó, Cò Nòi, Chiêng Mung, Mường Bon, Mường Bằng của huyện Mai Sơn, Cty cũng chưa nộp đủ tiền thuê đất theo thông báo của cơ quan thuế. Năm 2016, Cty đã để Cty TNHH Phân bón và Hóa chất Sơn La tự ý chuyển mục đích sử dụng 4.500m2 đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.
Năm 2017, Cty để ông Lê Đình Thắng trú tại khu 8, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng trên diện tích khoảng 15.000m2 đất nông nghiệp.
Tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 18,89ha đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa giải phóng mặt bằng, hiện do các hộ dân quản lý, sử dụng.
Có 4 đơn vị SDĐ chưa nộp tiền thuê đất, 3 đơn vị chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa xin gia hạn thuê đất với Nhà nước đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã hết thời hạn thuê như Cty TNHH Nhà nước MTV Nông nghiệp Tô Hiệu, Cty CP Chè Cờ đỏ Mộc Châu, Chi nhánh Tổng Cty Chè Việt Nam – Cty CP tại Sơn La – Vinatea Mộc Châu; các Cty như: Cty CP Chè Cờ đỏ Mộc Châu, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu; Cty CP Chè Chiềng Ve Mộc Châu; Cty TNHH MTV Nông nghiệp Tô Hiệu; Chi nhánh Cty Chè Mộc Châu; Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm trường Phù Yên; Cty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Mộc Châu chưa nộp đủ tiền thuê đất.
Theo kết luận, nhiều công ty chưa chủ động kê khai phần diện tích đất được Nhà nước cho thuê đang sử dụng với cơ quan thuế để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất; chưa hoàn thiện việc thuê đất với Nhà nước như Doanh nghiệp Tư nhân Mộc Sương, Cty CP Chế biến nông sản BHL Sơn La, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La, Cty CP Vật liệu xây dựng 1 Sơn La…
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Thông tư số 04/2005 của Bộ TN&MT trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, SDĐ khi thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh đối với nông, lâm trường khi tiến hành cổ phần hóa, chuyển đổi sang Cty CP, Cty TNHH. Một số quyết định cho thuê đất mới không có nội dung thay thế các quyết định giao đất, cho thuê đất trước đây.
Trong quyết định thu hồi đất của các Cty nông, lâm nghiệp giao cho UBND các huyện không quy định thời gian hoàn thành việc kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch SDĐ dẫn đến tại thời điểm thanh tra nhiều UBND huyện chưa tổ chức thực hiện. Chưa thực hiện việc xác định diện tích thuế theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chưa lập phiếu chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai chuyển sang cơ quan thế tính thu tiền thuê đất đối với Cty nông nghiệp đã hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc và các thủ tục thuê đất với tỉnh từ năm 2014 – 2016. Chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị đã hết thời gian thuê đất, làm thủ tục gia hạn thuê đất.
Ngoài ra, một số huyện chậm rà soát, chưa có kế hoạch SDĐ có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi việc chấp hành pháp luật đất đai của Cty nông, lâm nghiệp chưa được tiến hành thường xuyên, không phát hiện được các Cty nông, lâm nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định về nghĩa vụ của người SDĐ.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT xử lý các tồn tại, khuyết điểm đối với Cty TNHH Nhà nước MTV Nông nghiệp Tô Hiệu về việc diện tích đất nông nghiệp của Cty đang thuê và sử dụng 4.500m2 đã bị Cty TNHH Phân bón và Hóa chất Sơn La chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trường hợp Cty không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện các thủ tục chuyển giao về cho địa phương quản lý.
Phối với với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La làm việc với các Cty: Chế biến nông sản BHL Sơn La, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La, Cty CP Vật liệu xây dựng 1 Sơn La để yêu cầu làm thủ tục thuê đất với Nhà nước theo quy định. Ban hành văn bản yêu cầu làm các thủ tục gia hạn thuê đất với Nhà nước đối với 2 khu đất đã hết hạn thuê và làm thủ tục thuê với Nhà nước 18 khu đất phi nông nghiệp trước đây được Nhà nước giao đất không thu theo đúng quy định tại Chi nhánh Tổng Cty Chè Việt Nam – Cty CP tại Sơn La – Vinatea Mộc Châu; yêu cầu Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu đưa khu đất dự kiến xây dựng trung tâm thương mại được thuê năm 2016 vào sử dụng theo mục đích được Nhà nước cho thuê. Ban hành văn bản yêu cầu Cty CP Nông nghiệp Chiềng Sung lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với diện tích 3ha đất xây dựng, thể thao được UBND tỉnh giao.
Các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên, Sốp Cộp, Sông Mã tiến hành công tác kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch SDĐ đối với diện tích đất đã được UBND tỉnh thu hồi của các Cty nông, lâm nghiệp giao cho UBND các huyện.
Các đơn vị đang SDĐ có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật đất đai trong quá trình SDĐ; xây dựng phương án SDĐ và tổ chức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích được Nhà nước giao, cho thuê.
Các Cty nông, lâm nghiệp có đất trả địa phương phải phối hợp với các địa phương để kiểm tra, rà soát giúp địa phương lập kế hoạch sử dụng đối với diện tích này. (Thanh Tra 26/9, tr5; Thanh Tra Online 26/9) 

Quảng Nam: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh
Chiều 26.9, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong ngày 25.9, công an huyện Tiên Phước đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với đối tượng Phùng Văn Bảy trú thôn 9, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) để điều tra, xử lý về hành vi phá rừng trái phép.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17.8, Trạm Kiểm lâm Tiên Phước (Trạm Kiểm lâm địa bàn xã Tiên Hiệp) phối hợp Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước tổ chức tuần tra trên địa bàn xã Tiên Lãnh.
Tại đây, lực lượng tuần tra phát hiện có 7 người đồng bào dân tộc Ka Dong (trú huyện Bắc Trà My) đang gieo hạt keo trên diện tích phá rừng trái phép tại khoảnh 5, Tiểu khu 556. 7 người này khai đang làm thuê cho ông Phùng Văn Bảy (trú tại thôn 9, xã Tiên Lãnh).
Qua điều tra, ông Bảy khai nhận đã chặt phá rừng phòng hộ tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, Tiểu khu 556) với diện tích khoảng 2 ha. Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, 6, Tiểu Khu 556) là 4,965 ha.
Trước đó, vào ngày 22.9, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có chuyến kiểm tra hiện trường vụ phá rừng Tiên Lãnh và chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương khởi tố vụ phá rừng Tiên Lãnh để “làm án điểm” mang tính răn đe các đối tượng phá rừng trái phép. (Lao Động Online 26/9)

Quảng Bình: Ngăn chặn “điểm nóng” khai thác hạt Dổi tại vườn quốc gia
Ngày 26.9 UBND tỉnh Quảng Bình cho biết đã có công văn gửi BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các sở, địa phương liên quan về việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn khai thác, mua bán hạt Dổi trong lâm phận và vùng đệm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Theo đó, yêu cầu BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tăng cường kiểm soát người ra vào khu vực vườn; bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng vào rừng khai thác hạt Dổi trái trái phép. Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, tiếp tục để xảy ra tình trạng nêu trên.
Giao Sở NNPTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, đẩy đuổi lâm tặc không để hình thành các điểm nóng về khai thác hạt Dổi trong lâm phận VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các xã vùng đệm thuộc các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa. Đồng thời thường xuyên kiểm tra các điểm tập kết, thu mua lâm sản ngoài gỗ (trong đó có hạt Dổi) trên địa bàn quản lý. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm các quy định về quản lý lâm sản, mua bán hạt Dổi trái phép thì kiên quyết bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Được biết, thời gian qua trên địa bàn VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và các khu vực lân cận xuất hiện tình trạng người dân vào rừng khai thác hạt Dổi trái phép đem về bán cho các thương lái.
Gần đây nhất, Tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Km 40 thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện 9 đối tượng (đều trú tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) đang sử dụng máy cưa xăng để cưa hạ các cây gỗ Dổi trong phân khu bảo vệ bảo vệ nghiêm ngặt thuộc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, nằm trên địa giới hành chính xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Hiện lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản và hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Được biết, hạt Dổi rừng được dùng trong ẩm thực và được thu mua với giá trị cao trong thời gian gần đây. (Lao Động Online 26/9) Về đầu trang
Chủ tịch Bình Định thưởng ‘nóng’ cho đơn vị điều tra vụ phá rừng
Mới đây, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã ký Quyết định số 3499/QĐ-UBND (ngày 22/9/2017) khen thưởng Phòng Cánh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bình Định) về kết quả điều tra bước đầu làm rõ các nghi can liên quan đến vụ phá rừng ở Tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kinh tế nhận thưởng từ đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định.
Theo đó, ngày 26/9, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định đã trao số tiền thưởng 100 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Định).
Như NNVN đã đưa tin, vào đầu tháng 9/2017, vụ phá rừng tại khoảnh 7, khoảnh 8 thuộc Tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) được ngành chức năng phát hiện đã làm “nóng” dư luận trog cả nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho Công an tỉnh nhanh chóng phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc. Các điều tra viên, trinh sát của Phòng Cảnh sát Kinh tế đã khẩn trương phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ.
Nhờ đó, chưa đầy một tuần đã xác định và tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can là Nguyễn Văn Ri (SN 1975) ở Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) và Phan Dễ (SN 1960) ở An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn). Bước đầu 2 đối tượng này khai nhận đã thuê người dân phát dọn gần 40ha rừng trong số hơn 60 rừng bị đốn hạ tại Tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) để trồng keo. (Nông Nghiệp Việt Nam Online 26/9)

Bình Định : Kiểm lâm địa phương không đủ kho chứa gỗ nghi có nguồn từ vụ phá rừng An Lão
Như Lao Động nhiều lần thông tin, Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm Bình Định phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn đã kiểm tra, phát hiện lô gỗ có dấu hiệu liên quan đến vụ phá 60,9ha rừng tại các khoảnh 7, 8, tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão.
Đây là cơ sở sản xuất trực thuộc Cty CP Đầu tư – kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, một cái tên quen thuộc ở địa phương trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, cung cấp dịch vụ nông lâm nghiệp; sản xuất nguyên liệu giấy và các sản phẩm từ gỗ… do ông Lê Văn Thiệt làm tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật. Tổng cộng có 26m3 gỗ, 28 ster củi được tìm thấy ở nhà máy Tường Sơn.
Lô gỗ, củi trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lý do khác khiến cơ quan chức năng đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa số “hàng” này với hiện trường tan hoang trên An Lão là sự trùng khớp về chủng loại cùng dấu vết cháy nham nhở trên nhiều thân cây.
Tất cả đang được Kiểm lâm Bình Định tạm giữ, phục vụ điều tra. Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn Nguyễn Hồng Tấn cho biết: “Do số lượng nhiều mà nhà kho lại chật nên chúng tôi phải bảo quản gỗ ở 3 địa điểm. Ở đâu, gỗ cũng được quản lý một cách cẩn thận”.
Liên quan đến vụ việc, tối 20.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Bình Định đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai đối tượng Phan Dễ (sinh năm 1960, thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Văn Ri (1975, thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) để điều tra về tội hủy hoại rừng theo Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, trả lời PV Lao Động, Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ nhận định: “Phá rừng với quy mô lớn như vậy, huy động cả xe cơ giới mở đường thì chỉ có doanh nghiệp chứ không cá nhân hay hộ gia đình nào làm nổi”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an Bình Định, “đây là vụ việc nghiêm trọng, rừng bị tàn phá với quy mô rất lớn”.
Hôm 20.9, phát biểu chỉ đạo xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đặt câu hỏi:
“Chưa biết có thông đồng hay không, trước mắt xem xét trách nhiệm quản lý. Chỉ có con đường độc đạo dẫn vô rừng, trạm kiểm lâm chốt chặn ngay đó, vì sao cả người lẫn phương tiện đi qua mà không ai biết, ai hay?”. (Lao Động Online 26/9; Dân Việt 26/9; Nông Nghiệp Việt Nam Online 26/9) Về đầu trang
Bắc Giang: Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày 25/9, đồng chí Bùi Văn Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái.
phat trien rung tai bac giangToàn cảnh buổi làm việc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có trên 173 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng chiếm 13.306 ha, rừng phòng hộ 21.321 ha, rừng sản xuất 119.204 ha. Các diện tích này được giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các doanh nghiệp, lâm nghiệp và hộ gia đình, cộng đồng dân cư, UBND xã quản lý, sử dụng. Mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo song công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn.
Theo ông Dương Xuân Bánh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong rừng tự nhiên, nhất là các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn diễn ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đã giao cho các hộ gia đình có nhiều khó khăn do việc tự ý phát rừng nghèo kiệt lấy đất để trồng rừng kinh tế diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân là do hiệu quả từ trồng rừng kinh tế cho thu nhập cao, khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha/năm trong khi nhiều hộ gia đình miền núi chủ yếu được giao rừng tự nhiên nghèo và nghèo kiệt, trước mắt không cho thu nhập nên tìm cách phá bỏ lấy đất trồng rừng kinh tế. Kinh phí đầu tư cho khoán bảo vệ rừng hàng năm được bố trí thấp hơn so với diện tích cần khoán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá: “Việc quản lý đất rừng, mua bán trái phép đất rừng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẵn sàng chịu xử phát, cố tình phá, đốt các diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng sản xuất. Trong khi đó công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để xử lý vi phạm còn chưa đạt hiệu quả, chưa có tính răn đe. Hiện đang xuất hiện mâu thuẫn giữa quyền lợi và trách nhiệm của người trồng rừng.”
Ông Hà Minh Quý – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng: “Địa bàn quản lý rộng, trong khi đó lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đề nghị tỉnh bổ sung 17 chỉ tiêu công chức cho Chi cục Kiểm lâm theo biên chế được giao năm 2017”.
Bên cạnh đó, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp lấn chiếm đất rừng còn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là việc tranh chấp đất rừng giữa người dân với các công ty lâm nghiệp. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của chính quyền địa phương cơ sở còn hạn chế, chủ rừng chưa thực hiện đầy đủ các quy định Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác này. Đồng thời tăng cường vai trò của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã để thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận để chỉ đạo toàn diện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách về lâm nghiệp đã ban hành, khoảng 20 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên nghèo bằng trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng 8 tỷ đồng, khoán bảo vệ rừng tự nhiên 11,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó cho chủ trương về việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất để trồng rừng kinh tế đối với những diện tích rừng có trữ lượng, chất lượng rất thấp và rừng tái sinh không có khả năng phục hồi tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khẳng định vai trò quan trọng của rừng trong bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương có rừng cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Đối với diện tích rừng đặc dụng thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng hiện có. Đối với rừng phòng hộ, bảo vệ tốt diện tích hiện có, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi một số khu rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đảm bảo các yếu tố về quản lý, lợi ích của người dân, môi trường. Đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, nếu những diện tích nào nhận thấy không còn khả năng phòng hộ, nghiên cứu xem xét chuyển đổi sang rừng sản xuất nhưng phải có tiêu chí xác định cụ thể, chặt chẽ.
Đồng thời, thực hiện triệt để việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không để tồn tại tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Đề cao trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng và địa phương. Khi để xảy ra tình trạng phá rừng phải quy được trách nhiệm thuộc về ai.
Tăng cường quản lý khai thác rừng, các cơ sở chế biến gỗ, khoáng sản. Lồng ghép các dự án, chương trình tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhân dân vay vốn trồng rừng, phát triển rừng. Những chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng, nếu sau 3 năm kiểm tra mà không trồng rừng, rừng chất lượng kém thì kiên quyết thu hồi.
Về kiến nghị bổ sung kinh phí bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, Bí thư Tỉnh ủy nhất trí và khẳng định phải đảm bảo đủ kinh phí ngay từ đầu năm, đưa vào kế hoạch hàng năm, có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Về kiến nghị bổ sung biên chế lực lượng kiểm lâm, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiến hành rà soát, nếu đủ điều kiện thì bổ sung. (Moitruong.net.vn 26/9) 

Đắk Lắk: Cần kiên quyết thu hồi rừng phòng hộ đầu nguồn bị lấn chiếm trái phép
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.
Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) bị chặt phá, lấn chiếm trong thời gian dài.Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, thời điểm tháng 6/2017, tổng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng bị chặt phá, lấn chiếm là hơn 11 ha, nằm trong khu vực vùng lõi của tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng.
Trong tổng số 11 ha rừng đầu nguồn bị chặt phá, lấn chiếm đã được người dân canh tác một số loại cây công nghiệp dài ngày, lúa nước và hoa màu gồm: Diện tích cà phê 7,399 ha; lúa nước 2,397 ha; cao su 0,973 ha; hoa màu 0,94 ha.
Điều đáng nói, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, canh tác trên rừng phòng hộ đầu nguồn đã diễn ra từ năm 1995 đến nay nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện chậm, không kịp thời xử lý. Từ đó dẫn đến việc người dân ngang nhiên mở rộng diện tích lấn chiếm, canh tác ổn định trên đất rừng phòng hộ đầu nguồn, gây nhiều khó khăn cho công tác thu hồi, khôi phục và bảo vệ rừng.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn trái pháp luật đã diễn ra tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng mới tiến hành rà soát, thống kê về hành vi phá rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý về mặt hành chính và hình sự.
Cụ thể, hầu hết các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra đã lâu, không được phát hiện và lập biên bản vi phạm, đến nay đã hết thời hạn, thời hiệu ra quyết định xử phạt, gây khó khăn cho công tác xử lý, phục hồi rừng.
Ông Bùi Tiến Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng bị người dân chặt phá, lấn chiếm, đồng thời tham mưu UBND huyện Krông Năng lên phương án giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị lấn chiếm tại tiểu khu 323, xã Ea Tam và phương án trồng rừng thay thế, phục hồi rừng đầu nguồn đã mất.
Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết: Huyện Krông Năng đã lên kế hoạch xử lý vi phạm, giải tỏa, cưỡng chế diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 323, xã Ea Tam nhằm phá bỏ cây trồng trên đất rừng, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép và trồng rừng thay thế trong năm 2017. Huyện cũng lên phương án bảo vệ đất rừng đã thu hồi, tránh tình trạng tái lấn chiếm.
Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Krông Năng vẫn chưa tiến hành thu hồi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị lấn chiếm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần kiên quyết trong việc thu hồi toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá, lấn chiếm trái phép, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn để phát huy đúng mục đích sử dụng.
Đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể buôn lỏng quản lý rừng trong thời gian dài dẫn đến việc mất đất, mất rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý, phục hồi rừng đã mất. (Tin Tức Online 26/9) 

Hà Tĩnh: Nước mắt người trồng rừng sau bão
Cơn bão số 10 đã qua được hơn 1 tuần, nhưng người dân ở các tỉnh miền Trung vẫn đang khóc ròng trước những cánh rừng nguyên liệu bị bão tàn phá. Hơn 20 nghìn ha cây lâm nghiệp đến kỳ thu hoạch, đã bị gió quật ngã gần như hoàn toàn. Đau xót, nhưng người dân không biết làm cách nào hơn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Phải mất 5 năm dày công chăm sóc anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh mới trồng được 4 hecta rừng tràm này. Thế nhưng chỉ sau một đêm, gió bão đã quật ngã gần như toàn bộ cánh rừng.
Điều khó khăn nhất của bà con lúc này là vấn đề thu hoạch. Bởi hiện tại hầu như hộ trồng rừng nào trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh cũng bị thiệt hại như nhau. Nếu thu hoạch cùng một lúc thì nhà máy không thể thu mua kịp, nhân công và phương tiện cũng không thể đáp ứng. Nhưng nếu để kéo dài thì keo tràm sẽ chết, chất lượng cũng sẽ giảm sút.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 20.000 hecta cây lâm nghiệp bị gãy đổ sau cơn bão số 10, thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị các nhà máy tiến hành thu mua keo tràm cho người dân và đảm bảo mức giá không thay đổi so với trước khi bão xảy ra.
Những năm gần đây, người trồng rừng Hà Tĩnh luôn phải gánh chịu những thiệt hại do thiên tai gây ra Bây giờ lại tiếp tục thêm một vụ mùa thất bát, sau bao giọt mồ hôi đổ xuống trên những cánh rừng. Đau xót, nhưng người dân không biết làm cách nào hơn, nước mắt cứ dồn lên nước mắt. (ANTV.gov.vn 26/9)

Đắk Nông: UBND tỉnh yêu cầu xử lý vụ phá rừng trái pháp luật tại Trường Xuân
Liên quan đến vụ phá gần 2ha rừng tại tiểu khu 1676, xã Trường Xuân (Đắk Song) mà Báo Đắk Nông đã phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng đã ký Công văn số 4851/UBND-NN yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân liên quan, cụ thể như sau:
Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng phá rừng; cán bộ tiếp tay, bảo kê cho phá rừng trên địa bàn xã Trường Xuân; đảm bảo không phân biệt đối tượng, không có vùng cấm theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Công an tỉnh phải báo cáo kết quả điều tra, xử lý về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2017.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Song kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã Trường Xuân và các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng. UBND huyện có phương án quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng đã giao về cho địa phương quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Sở Nông nghiệp & PTNT kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, cán bộ kiểm lâm địa bàn và các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng. (Báo Đắk Nông 26/9)

Khánh Hòa: Giao nhiều quyền hạn cho trưởng đặc khu
Ngày 26-9, Ủy ban Pháp luật Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư và tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên đề về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu).
Theo dự án Luật Đặc khu được các cơ quan trung ương và địa phương soạn thảo, luật này có 92 điều, trong đó, từ điều 39 đến điều 65 có 2 phương án. Ở phương án 1, quy định quyền hạn tập trung ở trưởng đặc khu và hội đồng đặc khu có trách nhiệm giám sát. Ở phương án 2, chính quyền đặc khu là HĐND đặc khu và UBND đặc khu; đứng đầu UBND là chủ tịch như pháp luật hiện hành. Cả 2 phương án đều có những điều khoản đặc biệt về cơ chế cho đặc khu. Gần 100 đại biểu đến từ bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đa số nghiêng về phương án 1 là trưởng đặc khu là người đứng đầu đặc khu.
Trưởng đặc khu có tổng cộng 128 quyền hạn đặc biệt ở nhiều lĩnh vực như: quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm…; quyết định đặt đổi tên đường phố trong lĩnh vực xây dựng chính quyền; cấp phép hoạt động, kinh doanh, lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp, thành lập các khu công nghiệp trong lĩnh vực kinh tế… Nhiều lĩnh vực khác có quyền hạn ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ như: quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, thuê khu vực biển; quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; quyết định thiết lập giao lưu văn hóa, kinh tế, kỹ thuật với địa phương ở nước ngoài…
Ông Nguyễn Tấn Thoại – Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (địa phương có địa giới dự kiến làm Đặc khu Bắc Vân Phong) – đề nghị nếu trao quyền rất lớn cho trưởng đặc khu thì phải giao quyền giám sát cho Hội đồng Đặc khu. Hội đồng này có cơ cấu đại diện là HĐND tỉnh và các bộ, ngành.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh đã là đặc khu thì phải đặc biệt, nhưng phải bảo đảm phù hợp Hiến pháp, Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Đồng thời, đội ngũ nhân lực phải có yếu tố quốc tế, năng lực rất cao. Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện đề án để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới, hy vọng sẽ sớm thông qua vào tháng 5-2018. (Người Lao Động Online 26/9)

Quảng Nam: Bắt tạm giam đối tượng phá rừng phòng hộ
Chiều 26-9, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an huyện Tiên Phước đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ba tháng đối với ông Phùng Văn Bảy (SN 1978, trú thôn 9, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) về tội “hủy hoại rừng”.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại hơn 124 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (gồm 87,913 ha rừng phòng hộ, 36,908 ha rừng sản xuất).
Riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng ở địa phương đã phát hiện 10 vụ vi phạm lâm sản, làm thiệt hại 24,790 ha, chức năng phòng hộ.
Trong 10 vụ phá rừng xảy ra năm 2017, thì vụ phá rừng lớn nhất xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5 và 6 tiểu khu 556 (thuộc xã Tiên Lãnh). Người thuê nhân công tổ chức vụ phá rừng tại đây được xác định là ông Phùng Văn Bảy. Bước đầu, ông Bảy khai nhận, từ tháng 5-2017, ông đã thuê người vào khu vực trên dùng cưa lốc, rựa để chặt hạ rừng với diện tích khoảng hơn 3.000m2, với trữ lượng thiệt hại gỗ khoảng 16m3.
Trong một diễn biến khác, trên Báo Quân Đội Nhân Dân, bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết: Hơn trăm héc-ta rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh đang bị tàn phá nặng nề do người dân phá rừng trồng keo, nhưng ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. (Tiền Phong 27/9, tr11; Đại Đoàn Kết 27/9, tr10; Nhân Dân Online 26/9; Quân Đội Nhân Dân Online 26/9; Dân Việt 26/9; TTXVN/Tin Tức Online 26/9; Giao Thông Online 26/9; Viettimes.vn 26/9; Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 26/9; Công An Nhân Dân Online 26/9; Người Lao Động Online 26/9; VOVNews 26/9; Tiền Phong Online 26/9; Thanh Niên Online 26/9; Người Lao Động 27/9, tr2) 

Quảng Trị: Nhức nhối tranh chấp đất rừng
Tình trạng lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân và công ty lâm nghiệp, lâm trường là vấn đề nổi cộm hiện nay tại Quảng Trị.
Hơn 40 năm nay, gia đình Bà Nguyễn Thị Nòng, ở thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ làm ăn ổn định trên 15 ha đất rừng gần Lâm trường Đường 9.
Gia đình bà Nòng đã vay mượn 150 triệu đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng. Đến năm 2016, Lâm trường Đường 9 bất ngờ ra thông báo đòi lại đất rừng, vì cho rằng người dân lấn chiếm đất của lâm trường: “Tôi thấy bức xúc, trước đây khai hoang chứ không phải tự nhiên lấn chiếm đất của lâm trường. Đến hôm nay, Lâm trường Đường 9 tự nhiên nói thu hồi đất nên dân rất bức xúc”, bà Nòng nói.
Vụ tranh chấp đất rừng dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài xảy ra giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 với hàng trăm hộ dân các xã Cam Chính, Cam Thành, Cam Tuyền, huyện Cam Lộ thu hút sự quan tâm của dư luận. Mấy chục năm qua, người dân nơi đây làm ăn yên ổn, nay Công ty Đường 9 thu hồi đất rừng vì cho rằng có tình trạng bị xâm lấn, hàng trăm hộ dân trồng rừng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bức xúc và hoang mang.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 thừa nhận, đã có sự yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý: “Các hộ xâm canh, xâm lấn đất của công ty thì vận động bà con khai thác xong trả lại đất cho công ty. Sau này xây dựng phương án sẽ giao cho địa phương một phần. Quyết định là của cơ quan có thẩm quyền, công ty không thể quyết định được”.
Trường hợp dân khiếu kiện Công ty TNHH Lâm nghiệp đường 9 chỉ là một trong rất nhiều vụ tranh chấp đất rừng diễn ra tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua.
Ông Đào Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiều người dân ở các vùng Tây Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa khiếu kiện người dân thiếu đất sản xuất, trong khi các lâm trường sử dụng diện tích đất quá lớn. “Nhiều đơn vị còn quản lý đất đai lỏng lẻo để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tạo kẽ hở cho một vài đối tượng, tổ chức lợi dụng bao chiếm đất đai. Trong khi đó, người dân đang bế tắc vấn đề mưu sinh do thiếu đất đai, cần có chủ trương giải quyết sớm”.
Cả khoảnh rừng hàng trăm ha bị đốn hạ không thương tiếc. Tại hiện trường nhiều gốc cây trơ gốc, nhiều cây bị hạ xuống vẫn nằm ngổn ngang và cháy nham nhở.
Giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân, tỉnh Quảng Trị cũng đã cắt bớt 1 phần diện tích đất của các công ty, lâm trường giao về cho các địa phương. Tuy nhiên, đất giao cho dân lại manh mún, phân tán. Ông Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh đơn cử từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định cắt 318 ha đất rừng của Công ty lâm nghiệp Bến Hải giao cho UBND xã Vĩnh Sơn quản lý sử dụng và cấp cho dân. Tuy nhiên, trong số đó có đến 160 ha là đường giao thông và đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc Dự án 327 trước đây. Diện tích còn lại không tập trung, phân tán, manh mún nên không thể giao cho dân để tổ chức sản xuất.
Ông Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết: “Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh cùng với Công ty lâm nghiệp Bến Hải và xã Vĩnh Sơn bàn bạc rất nhiều phiên để có đất cho người dân sản xuất, nhưng không thực hiện được”.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 3 công ty lâm nghiệp đều được hình thành từ thời kỳ bao cấp với nhiệm vụ phủ xanh đất trống đồi trọc. Mỗi đơn vị được giao quản lý từ trên 30.000 ha đất rừng. Qua nhiều lần cắt giảm, đến nay 3 đơn vị này còn quản lý 18.000 ha, chiếm khoảng 5% diện tích rừng toàn tỉnh.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, do nhu cầu nguyên liệu gỗ tăng cao, chủ yếu dựa vào rừng trồng, nên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, tranh chấp đất rừng. Hiện không thể cắt thêm rừng của các lâm trường, vì để đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. “Nếu cắt thêm nữa sẽ đi đến giải tán, phá vỡ quy hoạch. Hiện nay, về diện tích cắt được bàn giao, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cắm mốc ranh giới giữa thực địa và hồ sơ phải khớp với nhau, không để bàn giao trên giấy như trước đây”, ông Đồng cho biết.
Thiếu đất sản xuất, người dân lấn chiếm đất rừng lâm trường để canh tác, gây ra các vụ tranh chấp. Thực tế này đang diễn ra khá nhức nhối tại tỉnh Quảng Trị, nếu không được giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp thì xem ra tình trạng này khó chấm dứt. (VOVNews 26/9)

Nghệ An: Nóng xử lý hậu phá rừng
Từ đầu năm 2017, các cơ quan chức năng Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật.
Nghệ An được biết đến là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với 1.160.242,4 ha rừng và đất lâm nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nghệ An trong những năm qua luôn được chú trọng, tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng từ giữa năm 2016 ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, việc giải quyết những vụ việc có tính chất tồn đọng vẫn tiếp tục phải thực hiện.
Vụ chặt phá rừng phòng hộ ở huyện Tương Dương, được được đoàn liên ngành của huyện phát hiện từ tháng 2/2017; xảy ra tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền, có độ cao trung bình từ 1.400m đến 1.500m so với mực nước biển. Địa bàn hai xã này trong những năm qua đã từng xẩy ra những vụ việc nổi cộm liên quan đến hành vi chặt phá lâm sản trái pháp luật. Trong đó điển hình là vụ việc lâm tặc đốn hạ 49 cây pơ mu đã được lực lượng chức năng làm rõ trong năm 2014.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Tương Dương đã kịp thời báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, trong tháng 3/2017, Thường trực Huyện ủy Tương Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức mở rộng điều tra trên toàn tuyến biên giới Việt Lào thuộc địa bàn xã Tam Hợp và xã Lưu Kiền. Ngày 27/3/2017, Công an huyện Tương Dương đã ra Quyết định số 41 khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.
Mở rộng điều tra, các lực lượng liên ngành đã xác định tổng số lượng gỗ bị chặt hạ gần 300m3. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, các cây đã bị chặt hạ hầu hết vẫn chưa được đưa ra khỏi rừng, có một số cây tụt rơi xuống khe sâu, có một số rỗng ruột; và tất cả đều trong tình trạng bị rữa mục thân, vỏ; các gốc cây bị đốn hạ nay đã có cây cối và lớp thực bì bao phủ. Cùng với các lối vận chuyển gỗ trên sườn núi mà đối tượng vi phạm tạo nên để trượt gỗ đã bị bùn đá, cây cối lấp đầy; lực lượng liên ngành xác định, đây không phải là một vụ chặt phá rừng mới; mà xẩy ra trước thời điểm thực hiện đóng cửa rừng, khoảng vài năm trước đây.
Cũng thời điểm từ tháng 2/2017, tại huyện Quỳ Hợp, cơ quan chức năng đã phát hiện hiện tượng người dân các xã Nam Sơn đốt, phát rừng trái phép trên diện tích được Nhà nước giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Về bản chất của hoạt động đốt, phát rừng ở xã Nam Sơn, là nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ rừng tự nhiên sản xuất sang trồng rừng nguyên liệu. Với chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Huyện ủy và UBND huyện Quỳ Hợp đã giao lực lượng chức năng trên địa bàn nhanh chóng vào cuộc. Qua xác minh, đã xác định diện tích rừng bị đốt, phát có trạng thái chủ yếu là rừng tự nhiên phục hồi, thuộc nhóm IIB với các loại cây chủ yếu là: ràng ràng, dẻ, ba soi, tre, nứa… Bên cạnh đó, đã xác định được đối tượng vi phạm, với tổng số 16 hộ dân đều cư trú trên địa bàn xã Nam Sơn.
Còn tại huyện Tân Kỳ, từ cuối năm 2014, trên vùng giáp ranh giữa huyện này với huyện Yên Thành, thuộc địa bàn xã Kỳ Tân đã xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ. Riêng trong năm 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Tân Kỳ đã kiểm tra xác định có nhiều hộ dân các xã Tây Thành, Quang Thành (Yên Thành) đã lén lút sang địa bàn xã Kỳ Tân xâm canh đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ quản lý, bảo vệ.
Ngày 26/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn đồng thời tổ chức 3 phiên tòa xét xử công khai các đối tượng vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Tại các phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn thừa nhận về hành vi phạm tội của mình. Tòa án nhân dân huyên Kỳ Sơn đã tuyên phạt 9 bị cáo từ 7 đến 24 tháng tù; buộc bồi thường các thiệt hại đã gây ra.
Riêng với các vụ việc vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại hai xã Na Ngoi và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 4 vụ án với 12 bị can; trong đó ở Na Ngoi có 1 vụ, 1 bị can, Nậm Càn có 3 vụ, 11 bị can. Sau quá trình điều tra làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã chuyển 3 vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện để truy tố các đối tượng có hành vi vi phạm ra trước pháp luật.
Như vậy là chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến này, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan đã liên tục xử lý quyết liệt các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đây là những động thái hết sức chủ động, cần thiết nhằm thực hiện tốt công cuộc bảo vệ và phát triển rừng, gìn giữ an ninh trật tự trên toàn địa bàn tỉnh. (Báo Nghệ An Online 26/9) 

Nghệ An: Cần ngăn chặn xâm hại rừng phòng hộ
Thông tin từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ, từ năm 2008 đến nay, trên 100ha rừng phòng hộ đầu nguồn trạng thái 2a đã bị người dân phá canh trồng keo. Vì sao việc phá rừng diễn ra trong thời gian dài, diện tích lớn mà không được ngăn chặn?
Chi tiết xin vui lòng xem nội dung Scan phía dưới. (Nông Nghiệp Việt Nam 27/9, tr4)

Lâm Đồng: Điều tra vụ đầu độc hàng trăm cây thông bằng thuốc diệt cỏ
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (huyện Lâm Hà), trong số 210 cây thông khoảng 30 năm tuổi đã bị khoan lỗ ở thân rồi bơm thuốc diệt cỏ vào, có 170 cây không thể cứu vãn được.
Sáng 26/9, cơ quan chức năng cho biết đang tiến hành điều tra truy tìm thủ phạm hủy hoại rừng tại các tiểu khu 263 và 270 thuộc địa bàn thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Tại hiện trường, 170 cây thông cao từ 20 – 30m, đường kính từ 25 – 50 cm đã chết đứng vì bị đầu độc. Mỗi gốc thông đều bị khoan từ 2 – 3 lỗ (mỗi lỗ to bằng ngón tay trỏ) rồi đổ thuốc diệt cỏ vào khiến cây thông bị ngấm độc.
Thấy một số cây thông ở cánh rừng ven tỉnh lộ 725 (nối thành phố Đà Lạt – huyện Lâm Hà) bị héo lá, Đội bảo vệ rừng chuyên trách số 4 (Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban) đã đến kiểm tra. Phát hiện ra mùi thuốc diệt cỏ, Đội đã triển khai giải độc cho cây nhưng không có kết quả. Qua thống kê có tới 160 cây thông đang chết dần do bị đầu độc.
Cách khu vực này khoảng 5km cũng có một cánh rừng (khoảnh 2, lô B, tiểu khu 263B, thuộc khu phố Chi Lăng 1, Nam Ban) với 50 cây thông cùng độ tuổi bị đầu độc. Nhờ phát hiện sớm nên lực lượng bảo vệ rừng đã cứu được 40 cây.
Các cán bộ kiểm lâm cho hay, khoan lỗ đổ thuốc thuốc diệt cỏ là một trong những thủ đoạn đầu độc cây thông phổ biến ở Lâm Đồng. Khi bị đầu độc, cây sẽ chết dần sau khoảng 3 tuần.
Trong tuần đầu tiên, cây bị đầu độc vẫn xanh lá, không có biểu hiện lạ nên khó phát hiện và giải độc cho cây. Đến khi lá úa vàng thì không thể cứu được nữa.
UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra sớm tìm ra thủ phạm các vụ đầu độc rừng thông này; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng các đối tượng hủy diệt rừng thông để lấn chiếm đất. Hai cánh rừng thông bị đầu độc nói trên đều nằm ven đường, gần khu dân cư. (Tiền Phong Online 26/9; Người Lao Động 26/9, tr2; Tiền Phong 27/9, tr3) 

Đà Nẵng: Linh trưởng đặc hữu Voọc Chà vá chân nâu Sơn Trà ngày càng thân thiện với người
Ông Trần Hữu Vĩ, Giám đốc Trung tâm Nước Việt Xanh (Green Việt)- tổ chức chuyên khảo cứu, bảo vệ động vật và tự nhiên cho biết, một số đàn Voọc Chà vá chân nâu sinh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ngày càng trở nên dạn dĩ và thân thiện với con người.
Đó là nét đáng yêu nhưng rất dễ bị tổn thương đối với loài linh trưởng đặc hữu này.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng bởi nơi đây có khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – một trong 10 khu rừng cấm đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1977.
Rừng Sơn Trà là ngôi nhà của loài Voọc Chà vá chân nâu được mệnh danh “Nữ hoàng linh trưởng”. Bán đảo Sơn Trà còn được ví như “kho báu mong manh”, chất chứa trong đó triệu triệu những điều ký bí chưa được khám phá hết, vẫn đang đợi các nhà khoa học hiện tại cũng như tương lai tìm hiểu.
nghệ sĩ nhiếp ảnh và người yêu thiên nhiên ngắm nhìn. Ảnh: Lê Phước Chín
Voọc Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) là loài linh trưởng chỉ phân bố tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện loài đang đối mặt trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao, Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục đỏ Quốc tế (IUCN, 2015) xếp loài ở mức độ nguy cấp (EN). Năm 2016, các nhà khoa học đồng ý nâng mức độ bảo tồn loài lên Cực kỳ nguy cấp (CR).
Hàng ngày nhiều nhóm nhiếp ảnh đến Sơn Trà săn ảnh loài nữ hoàng linh trưởng
Hàng ngày nhiều nhóm nhiếp ảnh đến Sơn Trà săn ảnh loài nữ hoàng linh trưởng. Ảnh: Lê Phước Chín
Nhiều nhóm yêu thiên nhiên, môi trường, yêu Sơn Trà, cũng như tìm hiểu về đa dạng sinh học Sơn Trà, mong muốn được đóng góp công sức mình cho công việc bảo tồn loài động vật quý hiếm và độc đáo này.
Các nhóm thanh niên yêu thiên nhiên Sơn Trà thường xuyên tổ chức những cuộc dã ngoại dọn dẹp và thu rác thải của du khách tại Khu BTTN Sơn Trà / ảnh B.V.Tuấn
Các nhóm thanh niên yêu thiên nhiên Sơn Trà thường xuyên tổ chức những cuộc dã ngoại dọn dẹp và thu rác thải của du khách tại Khu BTTN Sơn Trà. Ảnh: B.V.Tuấn.
Hàng ngày các nhóm bảo vệ thiên nhiên đã trồng cây xanh cho Vooc, nhặt rác làm sạch nhà cho Vooc ở, báo cáo các hành động vi phạm có tác động đến Vooc như săn bắn, bẫy bắt, chặt phá cây rừng nhanh chóng và kịp thời cho các cơ quan chức năng được biết và xử lý sớm. (Lao Động Online 26/9)

Tiêu hủy sừng tê giác để bảo vệ tê giác
Chào mừng Ngày Tê giác Thế giới, vườn thú Dvur Kralove (CH Séc) đã tổ chức thiêu hủy 33 kg sừng tê giác trong kho dự trữ của mình với sự tham gia của nhà bảo tồn và nhà nhân loại học nổi tiếng người Kenya – Richard Leakey cùng siêu mẫu Veronica Varekova và nhà bảo tồn học đến từ Kenya – Paula Kahumbu.
Vườn thú Dvur Kralove tổ chức sự kiện này nhằm chỉ ra cho cộng đồng thấy rằng sự sống loài tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng, và nhu cầu sử dụng mù quáng sừng tê giác là nguyên nhân chính đẩy giống loài này đến bờ vực tuyệt chủng. Thiêu hủy sừng tê giác là hành động mang tính biểu tượng, kêu gọi cộng đồng nhận thức về hậu quả hành vi của mình.
Mua bán và vận chuyển sừng tê giác đồng nghĩa với việc làm giàu cho những kẻ săn bắt trái phép và tiếp tay cho nạn thảm sát tê giác dã man. Thông qua sự kiện này, vườn thú Dvur Kralove mong muốn truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng: “Sừng tê giác thuộc về loài tê giác, không thuộc quyền sở hữu của con người”.
Việt Nam cũng là một trong số những nước tiên phong tiến hành tiêu hủy sừng tê giác. Cuối năm 2016, 70 kg sừng tê giác và 2 tấn ngà voi cùng với một số sản phẩm từ loài hổ và gấu hoang đã bị tịch thu từ các vụ buôn bán bất hợp pháp đã bị tiêu hủy tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ ngành tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ và đại sứ quán. Đây được coi như một quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trước thế giới, thể hiện sự không khoan nhượng trước các vi phạm liên quan đến tê giác để răn đe những kẻ đã, đang và có ý định buôn lậu các sản phẩm từ tê giác. (Pháp Luật Việt Nam Online 26/9; VietnamPlus.vn 26/9) 

Chính phủ Brazil rút lại quyết định cho khai thác mỏ ở rừng Amazon
Trong một thông báo ngày 25/9, Bộ Khai mỏ và Năng lượng Brazil cho biết chính quyền của Tổng thống Michel Temer đã quyết định rút lại sắc lệnh được ký hồi tháng Tám vừa qua liên quan kế hoạch khai thác mỏ tại khu bảo tồn Renca trong rừng Amazon.
Trong thời gian tới, Chính phủ Brazil sẽ xem xét lại vấn đề này trong các cuộc tranh luận rộng rãi hơn.
Dự kiến, trong ngày 26/9 Văn phòng của Tổng thống Michel Temer sẽ ban hành sắc lệnh mới, theo đó khôi phục các điều kiện của khu vực trên theo luật cấm khai thác khoáng sản ở rừng Amazon có hiệu lực từ năm 1984.
Ngày 25/8 vừa qua, Tổng thống Temer đã ký sắc lệnh bãi bỏ quy chế bảo tồn thiên nhiên đối với khoảng 4 triệu ha rừng Amazon nhằm mở đường cho các công ty khai thác mỏ hoạt động tại khu vực này.
Sắc lệnh này đặt dấu chấm hết cho luật cấm khai thác khoáng sản ở rừng Amazon có hiệu lực từ năm 1984. Chính phủ Brazil cho rằng đây là giải pháp nhằm phần nào vực dậy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh bằng việc tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân.
Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường lo ngại các hoạt động khai thác khoáng sản có nguy cơ đe dọa môi trường sống trong khu vực. Ngày 31/8, Tòa án liên bang ở thủ đô Brasilia đã ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh trên.
Khu bảo tồn Renca nằm ở khu vực phía Đông Amazon có rất nhiều mảnh rừng nguyên sinh rộng lớn và nơi cư ngụ của nhiều bộ lạc nguyên thủy. Khu vực này có diện tích lên tới 46.000km2, lớn hơn cả Đan Mạch, được cho là rất giàu các loại quặng vàng, đồng và các khoáng sản khác.
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cảnh báo việc khai thác mỏ ở khu vực này có thể kéo theo những nguy cơ về môi trường cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống của nhiều bộ tộc người da đỏ trong rừng Amazon.

Tin Liên Quan