ĐIỂM BÁO LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP (Ngày 29 tháng 9 năm 2017) |
Sát thực hơn trong giao, khoán đất rừng
Việc giao, khoán đất rừng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết và đây cũng là mối quan tâm của không chỉ các cấp chính quyền, mà trở thành vấn đề nóng đối với trách nhiệm mỗi người dân. Vậy, người dân đã được đặt đúng vị trí trong việc giao khoán đất rừng, bảo vệ rừng… hay vẫn còn mắc kẹt trong những cơ chế, chính sách.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện còn hơn 3.118.952 ha rừng đang “tạm giao” cho UBND cấp xã tổ chức, quản lý. Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, để việc giao khoán đất rừng thật sự có hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cũng như góp phần bảo vệ tài nguyên, khoáng sản quốc gia, thì cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 sao cho phù hợp, nhất là phải đặt được vị trí cốt yếu của người dân, mà cụ thể là những hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi vùng miền đất nước trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Cần sớm thừa nhận cộng đồng, nhóm hộ là đối tượng chủ rừng để bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng, nhóm hộ khi được giao rừng như các chủ rừng khác. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, giao, khoán đất rừng, cần dành phần rừng gỗ tự nhiên, rừng giàu cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều diện tích đất rừng được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số là rừng nghèo kiệt, manh mún, nhiều nơi chủ yếu là núi đá, khó có thể tổ chức sản xuất. Do đó, đồng bào đã không mặn mà nhận rừng dẫn đến nhiều nơi, đồng bào thiếu nghiêm trọng đất sản xuất. Điển hình như ở Nghệ An với hơn 16 nghìn hộ dân, Quảng Nam với gần 15 nghìn hộ dân và Quảng Ngãi với hơn 8.700 hộ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chậm triển khai việc giao đất, giao rừng do nhiều nguyên nhân, từ đó “máu rừng vẫn chảy”. Việc giao đất, giao rừng còn thiếu sự tham gia của người dân địa phương, dẫn tới có sự chồng lấn giữa các chủ hộ, các chủ rừng, dẫn đến tranh chấp đất rừng giữa tổ chức được giao đất rừng và cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thời gian qua, hàng loạt vụ phá rừng diễn ra tại nhiều địa phương dưới nhiều hình thức khác nhau đã dấy lên nỗi băn khoăn lớn đối với các cấp chính quyền. Giá trị của rừng vẫn được xem là mạch máu, dù rừng ở đồng bằng, rừng trồng, rừng ngập mặn, rừng nguyên sinh hay đất rừng đồi núi trọc được đồng bao phủ xanh… Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khắc nghiệt cũng một phần vì nguồn tài nguyên rừng chưa được giữ gìn, khai thác đúng mức. Rừng đang chảy máu từ đầu nguồn đến đồng bằng. Nếu nhiều diện tích rừng được phủ xanh trong 10 năm qua khi thực hiện chính sách giao, khoán đất rừng thì hiện nay, diện tích rừng bị khai thác, tàn phá cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Khi thực hiện giao khoán đất rừng cho chủ hộ gia đình, cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải đặt vị trí người dân là trọng yếu, để việc giao đất, giao rừng đạt hiệu quả cao nhất. Chính người dân chứ không ai khác là người đóng vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng cho nên cần có chính sách cụ thể về chủ sở hữu và quyền lợi, nghĩa vụ để bảo đảm rừng được quản lý, bảo vệ theo đúng pháp luật.
Chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý đã được Đảng, Nhà nước thực hiện hơn 30 năm qua, nhất là 10 năm trở lại đây thực sự mang lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, để đời sống đồng bào ổn định, sống được nhờ rừng, người dân vẫn phải chờ những quyết sách sát thực hơn. (Nhân Dân Online 29/9)
Quảng Nam: Khẩn trương giao đất, giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư
Nhằm giải quyết nhu cầu đất sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng do thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn đề nghị các Sở Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan triển khai các nhiệm vụ tăng cường công tác giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Công văn yêu cầu UBND các huyện khẩn trương giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân địa phương có nhu cầu thực sự từ đất rừng phòng hộ, đặc dụng đã điều chỉnh sang đất rừng sản xuất theo Quyết định ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh và từ diện tích đất lâm nghiệp hiện do UBND xã quản lý để nhân dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Kiểm tra tiến độ trồng cây cao su của các công ty cao su trên địa bàn. Trường hợp chậm tiến độ, yêu cầu Công ty xác định cụ thể thời gian hoàn thành để xem xét gia hạn phù hợp và ký cam kết với UBND huyện. Nếu tiếp tục chậm tiến độ sẽ thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai để giao cho nhân dân phát triển sản xuất. Rà soát lại thực tế giao đất lâm nghiệp cho nhân dân trên địa bàn để xem xét điều chỉnh giảm diện tích quá lớn của một số hộ gia đình sang cho các hộ có diện tích ít, nhân khẩu nhiều, gia đình khó khăn hoặc các hộ thực tế có nhu cầu nhưng chưa được giao đất lâm nghiệp.
Đồng thời, tích cực vận động nhân dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp để tích tụ đất đai, trồng rừng, hình thành chuỗi giá trị rừng (giống cây – trồng rừng – chăm sóc, quản lý – khai thác – chế biến – tiêu thụ) đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Phát triển kinh tế – xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; triển khai Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Lập danh sách các hộ dân có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 báo cáo về Ban Dân tộc tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, thống kê diện tích đất của người dân đã và đang sử dụng ổn định lâu dài (đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây kinh tế) nhưng hiện nay đã đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổng hợp tham mưu UBND tỉnh phương án bồi thường hoặc tạo cơ chế khai thác phù hợp để chuyển đổi trồng rừng theo đúng mục đích quy hoạch.
Thống kê, tổng hợp số lượng các cộng đồng dân cư, hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng. Trong đó xác định số lượng có thể hoặc không thể di dời ra khỏi rừng phòng hộ, đặc dụng. Trường hợp không thể di dời, đề xuất giải pháp để cộng đồng, hộ gia đình sinh sống ổn định gắn với quản lý, bảo vệ rừng; nghiên cứu mô hình đồng quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các địa phương căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, xác định nhu cầu kinh phí đo đạc, hiệu chỉnh, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế – xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng và Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/11/2017. (Tài Nguyên & Môi Trường Online 28/9)
Quảng Nam: Có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong vụ phá rừng Tiên Lãnh
Đến cuối tháng 8/2017, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí thông qua tố giác của nhân dân, lực lượng chức năng mới phát hiện ra vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
hàng loạt thủy điện bậc thang như thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sông Tranh 3. Rừng phòng hộ không chỉ góp phần giữ mực nước ngầm, ngăn lũ, điều tiết nước về hồ mà còn góp phần giữ nguồn gen quý của động thực vật phía thượng nguồn.
Trong thời gian qua, mỗi khi mùa mưa bão về, người dân phía hạ du đã phải chịu bao nhiêu điều khiến họ điêu đứng vì nguyên nhân chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, thủy điện xả lũ… Ngược lại, về mùa kiệt thì do rừng bị tàn phá nên mực nước ngầm bị hạ thấp, mặn xâm nhập ở hạ du khiến cho việc lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ cơ quan kiểm lâm thì từ năm 2010 đến 15/9/2017, trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất (chủ yếu trồng rừng nguyên liệu), gây thiệt hại 124, 821 ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (gồm 87,913 ha rừng phòng hộ, 36,908 ha rừng sản xuất). Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có 68,296 ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359 ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng (do UBND xã Tiên Lãnh quản lý).
Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của người dân thì số lượng rừng bị phá còn lớn hơn nhiều, nhất là tại các khu vực khác như tiểu khu 551 và tiểu khu 552, đã có hàng trăm héc ta rừng bị triệt hạ. Khi người dân nhiều lần báo cho lãnh đạo xã Tiên Lãnh thì không nhận được sự phản hồi hay thông báo kết quả xử lý. Và như vậy, sự việc cứ rơi vào im lặng trong một thời gian dài. Có chăng, cơ quan kiểm lâm chỉ mới khởi tố một số vụ án nhưng không hiểu tại sao lại chưa thể khởi tố bị can nào để xử lý theo pháp luật. Chính vì vậy, các vụ án bị khởi tố đều chìm vào quên lãng, không đủ sức răn đe đối với các đối tượng phá rừng.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại 24,790 ha, chức năng phòng hộ. Trong đó, vụ phá rừng lớn nhất xảy ra tại khu vực Dội Lớn, khoảnh 5, tiểu khu 556, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Người thuê nhân công tổ chức vụ phá rừng này là ông Phùng Văn Bảy (SN 1978, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước), qua khai thác ban đầu ông Bảy khai nhận là từ tháng 5/2017, ông Bảy đã thuê người vào khu vực trên dùng cưa lốc, rựa để chặt hạ một khu vực rừng với diện tích khoảng 2 ha. Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng kiểm lâm xác định diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Dội Lớn (khoảnh 5 và khoảnh 6, tiểu khu 556) là 4,965 ha, có chức năng phòng hộ.
Mặc dù phát hiện diện tích lớn rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tranh bị tàn phá như vậy, nhưng lực lượng kiểm lâm chưa kịp thời khởi tố vụ án để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Phải đến khi Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo xử lý nghiêm thì Công an huyện Tiên Phước mới ra quyết định khởi tố vụ án, rồi khởi tố bị can Phùng văn Bảy về tội hủy hoại rừng.
Trả lời về vấn đề này, đại tá Nguyễn Văn Cự, Trưởng Công an huyện Tiên Phước cho biết: Mặc dù bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên kiểm lâm là đơn vị trực tiếp tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm lâm còn có quyền khởi tố vụ án để chuyển cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền. Song, từ năm 2010 đến nay, cơ quan kiểm lâm chỉ mới khởi tố một số vụ án rồi để thời gian khá lâu, lúc đó chứng cứ, hiện trường đã gần như bị “xóa nhòa” nên cơ quan công an không đủ cứ liệu để khởi tố bị can.
Liên quan đến vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, mà đặc biệt là tại khu vực Dội Lớn, thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là lực lượng kiểm lâm phải chịu trách nhiệm chính. Không thể đổ lỗi do lực lượng mỏng, hay địa bàn cheo leo hiểm trở. Tại sao kiểm lâm địa bàn chỉ vào cuộc khi báo chí nêu tình trạng phá rừng trên địa bàn. Liệu có ai đứng đằng sau tiếp tay cho hàng loạt vụ phá rừng này không? Theo nhận định của một số người dân cũng như cơ quan chức năng thì với trình độ, tiềm lực kinh tế của ông Huỳnh Văn Bảy thì không thể đủ khả năng thuê người phá rừng rồi tiến hành trỉa keo.
Tại sao từ trước đến nay, lực lượng kiểm lâm đã khởi tố vụ án nhưng không thể khởi tố bị can, đây là do nghiệp vụ yếu kém hay do “ngại” đụng chạm, thậm chí là có khi phát hiện rừng bị chặt phá nhưng cũng tiến hành xử lý hành chính cho qua chuyện. Liệu có sự bao che, tiếp tay của một số người có trách nhiệm hay không? Chính vì vậy, không đủ sức răn đe các đối tượng phá rừng, điều này cũng cần được làm rõ và xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Được biết, hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh có khoảng 2.500 ha rừng có chức năng phòng hộ. Khu vực này nằm xa khu dân cư nhưng lại nằm gần với vùng lòng hồ thủy điện Sông tranh 3 (sẽ tích nước vào năm 2018). Theo nhận định của một số nhà quản lý thì đối tượng thuê người đồng bào dân tộc phá rừng trồng keo với quy mô lớn phải có tầm nhìn “chiến lược” và tiềm lực kinh tế mạnh. Chứ người dân địa phương rất khó có điều kiện để thực hiện những vụ phá rừng trồng keo này.
Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tiên Lãnh, do Trạm Kiểm lâm địa bàn xã Tiên Hiệp phụ trách và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam (trước năm 2017 là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tiên Phước), được phân công 1 kiểm lâm địa bàn tham mưu giúp Chủ tịch UBND xã về công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Tuy nhiên, việc phá rừng phòng hộ diễn ra trong thời gian dài nhưng công tác phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với chính quyền địa phương cấp xã và các ngành chức năng chưa đồng bộ, lỏng lẻo, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nên tình trạng vi phạm xảy ra trong thời gian dài, với quy mô lớn nhưng việc phát hiện vi phạm và điều tra chưa triệt để.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, là người trực tiếp đến hiện trường cũng như chỉ đạo điều tra vụ phá rừng quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm tại xã Tiên Lãnh cho biết: Qua kiểm tra, diện tích rừng bị phá tại Tiên Lãnh là khá lớn. Trong việc để xảy ra tình trạng xâm hại rừng này có trách nhiệm các cơ quan. Trước hết, đối với Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước được giao nhiệm vụ quản lý nhưng chưa chặt chẽ, chủ quan trong giao khoán, thiếu kiểm tra giám sát, tuần tra bảo vệ rừng.
Về phía lãnh đạo UBND xã Tiên Lãnh là những người trực tiếp ở địa bàn, trực tiếp quản lý dân, nhưng vẫn có dấu hiệu buông lỏng quản lý chung, trong đó có quản lý rừng phòng hộ. Lãnh đạo xã nắm bắt thông tin chưa kịp thời nên phối hợp xử lý chưa thỏa đáng. Thậm chí khi nhận được tin báo của người dân chậm xử lý, hoặc không xử lý dẫn đến tình trạng mất niềm tin của nhân dân. Lực lượng kiểm lâm xử lý vi phạm về rừng chậm, có những vụ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe. Còn lúng túng trong phương pháp tuần tra, quản lý địa bàn, nên cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Một số vụ đã khởi tố vụ án nhưng chưa đủ chứng cứ, công tác thu thập thông tin, hiện trường để quá lâu nên không thể khởi tố bị can.
Hiện nay, dư luận trên địa bàn cho rằng có một số cán bộ, nguyên cán bộ đứng sau cá nhân Phùng Văn Bảy, chi tiền cho đối tượng này thuê người phá rừng, đồng thời tiến hành trồng rừng keo trên khu vực rừng phòng hộ bị phá. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, những thông tin trên là do dư luận đưa ra, lãnh đạo công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ các vụ việc để có hướng xử lý rốt ráo trên tinh thần là nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý kiên quyết. Vì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể thông tin cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.
Liên quan đến vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, tỉnh Quảng Nam, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Phùng Văn Bảy (sinh năm 1978, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) về hành vi “hủy hoại rừng”. (TTXVN/Tin Tức Online 28/9; Vcci.com.vn 28/9)
7 năm, hơn 50 vụ phá rừng phòng hộ ở Quảng Nam
Từ năm 2011-2017 cơ quan chức năng Quảng Nam đã phát hiện, lập biên bản 54 vụ hủy hoại rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước với hơn 120ha rừng bị tàn phá.
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng tại xã Tiên Lãnh, ngày 28-9, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh này về công tác quản lý, bảo vệ và phá rừng tại địa phương này.
Theo ông Lê Minh Hưng, phó giám đốc sở, xã Tiên Lãnh có hơn 7.000ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ là hơn 2.500ha.
Qua các năm từ 2011-2016, hạt kiểm lâm đã phát hiện, lập biên bản 44 vụ về hành vi phá rừng phòng hộ với diện tích hơn 63ha, rừng sản xuất 36ha. Đã xử lý 29 vụ (khởi tố điều tra 11 vụ).
Riêng trong năm 2017 phát hiện lập biên bản 10 vụ với diện tích hơn 24ha. Vừa qua cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam một đối tượng phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 556 (xã Tiên Lãnh).
Theo sở này, nguyên nhân dẫn đến những vụ phá rừng trên là do lực lượng kiểm lâm quản lý địa bàn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.
Sở này yêu cầu các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra để sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố, điều tra.
Đối với diện tích rừng đã bị phá, ngoài việc buộc các đối tượng vi phạm trồng lại rừng, các đơn vị liên quan phải tham mưu xây dựng phương án trồng lại rừng phòng hộ theo quy hoạch.
“Ngoài ra tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm”, ông Hưng nêu rõ. (Tuổi Trẻ 29/9, tr4; Tuổi Trẻ Online 28/9)
Vụ ‘Tan hoang rừng phòng hộ’: Sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố
Sáng ngày 28/9, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã trở lại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, trực tiếp gặp ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng thôn 8, xã Tiên Lãnh, ông là một trong những người gửi đơn trực tiếp đến các cơ quan chức năng tố cáo về tình trạng phá rừng ở địa phương.
Qua buổi làm việc, phóng viên đã ghi nhận thêm nhiều tình tiết mới trong vụ việc phá rừng này.
Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Sơn, ông nói: “Giữ rừng là cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, một kiểm lâm viên làm sao giữ nỗi cả 4.500 ha rừng phòng hộ. Nếu giao rừng cho dân họ không giữ mà phá trồng keo, nhất là liên kết để phá thì một ông chứ mười ông kiểm lâm viên cũng chịu. Ở Tiên Lãnh ông Mai là Kiểm lâm khu vực tích cực đó, nhưng bó tay thôi, vì ông Mai đi đến đâu đều có kẻ thông báo cho người phá rừng biết thì một mình ông ta làm sao thu được tang chứng, bắt được người?”
Ông Sơn cũng cho rằng, càng khó giữ rừng khi có sự tiếp tay của người có quyền lực, có tiền của. Nhưng khi hỏi, ông có chứng cứ và biết cụ thể là ai là quan chức hay tài phiệt tiếp tay phá rừng, hoặc bỏ tiền của tổ chức phá rừng hay không?
Ông Sơn có nêu tên cụ thể vài nhân vật nhưng khi hỏi kỹ ông không có được chứng cứ cũng chỉ là người thu nhập thông tin từ người dân.
“Dân họ biết đó nhưng chắc chắn không dám nói vì sợ trả thù, chỉ có cách lấy ý kiến của dân bằng phiếu kín thì người dân ghi đích danh liền, nhưng cách này có giá trị pháp lý hay không thì tôi không biết”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng để xuất: Phải quy hoạch lại rừng, từ mặt hồ trở lên bao nhiêu mét cho nhóm dân trồng quế, phía trên là rừng phòng hộ thì may mới giữ những khoảnh rừng còn sót lại, còn nếu như hiện tại cứ giao rừng cho họ giữ, họ thấy keo có giá trị kinh tế, họ phá rừng thì ai mà giữ nỗi.
Còn trồng keo ở núi cao nơi khu vực ông Bảy đã bị bắt, đường sá đi lại hiểm trở xa xôi, chừ có sẵn cho tôi khai thác tôi cũng không làm, thế mà họ phá rừng gieo keo khó hiểu thật. Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ điều này”.
Trong khi đó cùng ngày theo báo cáo mới nhất số: 254 /BC-SNN&PTNT về tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng và phá rừng tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước cho thấy: Qua các năm từ 2011 đến 2016 đã xử lý 29 vụ (khởi tố điều tra 11 vụ.
Riêng năm 2017 Hạt Kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản 10 vụ về hành vi phá rừng, diện tích thiệt hại 24,790 ha rừng tự nhiên, đã khởi tố 1 vụ án bắt tạm giam một đối tượng, các vụ vi phạm còn lại đang phối hợp cùng Cơ quan Điều tra hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố và xử lý theo quy định.
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám Đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Sở NN&PTNT đã nhận định những nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm nêu trên. Trước hết Hạt Kiểm lâm Nam Quang Nam mà trực tiếp là Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn huyện Tiên Phước chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp”.
Ông Đức cũng cho rằng: Quan hệ phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa tốt; Ban quản lý dự án trồng rừng huyện chưa làm tốt vai trò là đầu mối trong công tác chỉ đạo, triển khai; thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hạng mục bảo vệ rừng của các hộ nhận khoán trên địa bàn.
Để nhanh chóng khắc phục những sai phạm nêu trên theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương tập trung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan CSĐT tra để sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố, điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chấn chỉnh và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm để tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
“Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng” – ông Đức khẳng định. (Đại Đoàn Kết Online 28/9)
Đắk Nông: Bắt giữ hai đối tượng phá rừng để làm nương rẫy
Chiều 28/9, VKSND huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông cho biết, đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng Hoàng Đình Quyết (54 tuổi) và Y’Bảy (33 tuổi, cùng trú xã Quảng Sơn, Đắk Glong) về hành vi hủy hoại rừng.
Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk G’Long củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Quyết, Y Bảy và một số đối tượng liên quan.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng tháng 7/2017, Quyết đến gặp Y’Bảy và thuê khai hoang đất rừng để làm nương rẫy với thù lao 3 triệu đồng/ha. Quyết dẫn Y’Bảy đến khu vực rừng thuộc khoảnh 7, tiểu khu 1696 thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong do công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy quản lý để phát dọn.
Sau đó, Y’Bảy thuê thêm một số người gồm: K’Long, Ngân Văn Nhất, Bặp Nhất, Bặp Trây (tất cả đều chưa xác định được lai lịch) cùng mang theo cưa xăng, dao phát để khai hoang. Chỉ trong một tuần, những đối tượng này đã khai hoang 2,8ha rừng.
Ngày 19/9, Y’bảy tiếp tục tiến hành dọn tại khu vực trên thì bị Công an huyện Đắk G’Long phát hiện. (Nguoiduatin.vn 28/9)
Nghệ An: Cán bộ địa chính thuê người chặt phá rừng nhận 24 tháng tù
TAND huyện Kỳ Sơn vừa tuyên phạt Và Bá Xa (SN 1982 – nguyên là cán bộ địa chính xã Nậm Càn huyện Kỳ Sơn) 24 tháng tù giam về tội Chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 13/9/2016, Và Bá Xa đến nhà Và Bá Thái (trú bản Liên Sơn, xã Nậm Càn) ngỏ ý thuê Thái vào rừng chặt gỗ cho mình. Thái đồng ý và gọi thêm 3 đối tượng khác là Và Bá Khùa, Và Bá Long, Và Bá Cô (trú cùng bản tham gia).
Sáng ngày 14/9/2016, cả 5 đối tượng hẹn gặp và thống nhất sẽ vào rừng đốn hạ gỗ sa mu, sau đó xẻ ra 40 tấm, kích thước dài 3m, rộng 40 cm, dày 20cm, có giá bán 170.000 đồng/tấm. Ngày 15/3/2017, Thái, Khùa, Long và Cô mang theo dụng cụ cùng nhau vào rừng phòng hộ đầu nguồn khe Nậm Càn dùng cưa xăng chặt hạ 2 cây sa mu, sau đó xẻ thành 40 tấm có kích thước khác nhau và chuyển về cho Và Bá Xa. Nhóm đối tượng được Xa trả 6,8 triệu đồng tiền công.
Ngày 29/3/2016, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 2 cây gỗ sa mu bị đốn hạ, vụ việc được Công an huyện Kỳ Sơn vào cuộc điều tra, vụ án được khởi tố để đấu tranh làm rõ.
CQĐT đã phát hiện và thu tại nhà riêng của Và Bá Xa, qua quá trình giám định kết quả trùng khớp với mẫu gỗ thu tại hiện trường. Đó là gỗ sa mu, nhóm IIA, thuộc loài thực vật nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại CQĐT Xá và các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội, khối lượng gỗ do Và Bá Xa và đồng phạm đốn hạ trái phép được xác định là 46,158 m3, đã vượt mức quy định về xử phạt hành chính. Hành vi vi phạm thuộc Khoản 1 Điều 12 Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng năm 2004.
Tại phiên tòa ngày 27/9, TAND huyện Kỳ Sơn cũng đã tuyên phạt Và Bá Thái, Và Bá Khùa, Và Bá Long, Và Bá Cô mỗi bị cáo 2 năm tù về tội danh trên nhưng cho hưởng án treo. (Pháp Luật Việt Nam Online 28/9)
Nghệ An: Khởi tố vụ án phá rừng tại huyện Quỳ Hợp
Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp vừa ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng theo Điều 189, Bộ luật Hình sự. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố bị can liên quan đến hành vi trên để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác rừng được giao khoán theo Nghị định 163 của Chính phủ khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật
Việc khai thác rừng được giao khoán theo Nghị định 163 của Chính phủ khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật
Trước đó, vào khoảng thời gian đầu tháng 3/2017, tại địa bàn xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp xảy ra tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để trồng mới cây keo lai nguyên liệu. Theo đó, người dân được giao khoán rừng theo Nghị định 163 cho rằng, Nhà nước giao rừng cho họ bảo vệ thì việc khai thác là quyền của các hộ này. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã được các cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp vào cuộc kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời.
Để xảy ra tình trạng trên, ngoài trách nhiệm của các chủ rừng và chính quyền địa phương thì ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp thừa nhận: Kiểm lâm địa bàn chưa đi sâu, đi sát với chính quyền địa phương, chưa sát với chủ rừng và chưa làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: Đất ở đây được giao cho dân theo Nghị định 163, rừng ở đây là rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, nghĩa là đã có trữ lượng gỗ, nên giao cho dân là để quản lý, bảo vệ, không được khai thác. Nếu sau này đến thời kỳ tận dụng khai thác phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền, hơn nữa phải thiết kế và được phê duyệt mới được khai thác.
Ngoài ra, theo nguồn tin của chúng tôi, vụ việc chặt phá rừng tại xã Nam Sơn còn có sự tham gia của một số cán bộ tại địa phương. Vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Hiểu biết pháp luật hơn dân, đáng ra phải làm gương, nhưng cán bộ lại vi phạm, nên người dân lại làm theo. Vì vậy, quan điểm của huyện, đối với người dân thiếu hiểu biết pháp luật, do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi có đất, có rừng, nhưng không có thu nhập thì có thể xử lý hành chính. Riêng nếu có cán bộ tham gia sẽ xử lý nghiêm để làm gương cho nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2010 – 2016, tại địa bàn xã Nam Sơn có 13 hộ dân được giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ đã tiến hành chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 63 ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Đặc biệt, số diện tích đất rừng này sau khi được chuyển nhượng lại đã bị một số người dân đốn hạ, phát đốt để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên.
Cần khẳng định lại rằng, việc người dân được giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ phải có trách nhiệm khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, không được xâm hại. Khi rừng đủ tuổi khai thác, muốn khai thác cần phải lập phương án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, mọi hành vi xâm phạm đến tài nguyên rừng được Nhà nước giao cho các hộ dân bảo vệ khi chưa được phép đều vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm minh. (Congannghean.vn 28/9)
Thanh Hóa: Dùng súng tự chế bắn cán bộ kiểm lâm trọng thương
Chiều 28/9, Hội đồng xét xử TAND huyện Thạch Thành đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Năm, SN 1982, ở thôn Nghéo, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng truy tố, vào khoảng 8 giờ ngày 26/4/2017, Bùi Văn Năm cùng Bùi Văn Soạn và Bùi Văn ích đều trú tại thôn Nghéo, xã Thạch Lâm rủ nhau vào tiểu khu 8 Vườn quốc gia Cúc Phương, thuộc địa phận huyện Thạch Thành để bắt tắc kè và săn bắn thú rừng. Khi đi Năm có mang theo một khẩu súng tự chế và một số vật dụng cá nhân khác.
Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, cả ba đi đến một chiếc lán được dựng dưới vách đá để nấu cơm ăn. Tại đây, Năm đem khẩu súng cất giấu vào một gốc cây cách lán khoảng 60m.
Trong khi Năm, Soạn, ích đang ăn cơm thì Ích phát hiện anh Đỗ Tiến Dũng và Nguyễn Minh Tâm là cán bộ của Hạt kiểm lâm Cúc Phương đi tuần tra. Ích tri hô có kiểm lâm, ngay lập tức Năm chạy lên lấy khẩu súng rồi cả ba cùng chạy về hướng đỉnh đồi.
Chạy được khoảng 100m, Năm bảo ích và Soạn quay lại lán xem tình hình thế nào và lấy đồ. Trong lúc quay lại lán, Năm phát hiện 2 cán bộ kiểm lâm vẫn đang đuổi về hướng mình nên đã dùng khẩu súng tự chế bắn nhiều phát về phía anh Tâm và anh Dũng khiến anh Dũng bị thương ở vùng ngực, anh Tâm bị thương ở hai bàn tay.
Theo kết luận giám định pháp y, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra đối với anh Nguyễn Minh Tâm là 14%, anh Đỗ Tiến Dũng là 1%.
Tình tiết để HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Năm là xét thấy trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường thiệt hại; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. (Công Lý Online 28/9)
Rừng bị tàn phá sau bão có nguy cơ thành củi ở Hà Tĩnh: Họp khẩn tìm giải pháp
Sáng nay, 28/9, trước những rào cản khiến chủ rừng và người dân nhận khoán chưa thể thu gom, khiến cây lâm nghiệp gãy đổ tại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có nguy cơ thành củi, có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, liên sở NN&PTNT và Tài chính tỉnh Hà Tĩnh sẽ họp khẩn để thống nhất phương án trình UBND tỉnh quyết định.
Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Thịnh, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh thông tin trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí vào tối qua, 27/9.
Ông Thịnh thừa nhận, những phản ánh của Dân trí về sự lo lắng, sốt ruột, thậm chí là bức xúc của chủ rừng và người dân về hàng ngàn ha cây lâm nghiệp ở rừng trồng phòng hộ bị bão số 10 quật đổ có nguy cơ trở thành củi là hoàn toàn chính xác, và đó cũng là nỗi lo chung của các cơ quan chức trách.
“Ai cũng mong muốn cho chủ rừng, bà con nhận khoán được thu gom ngay, bởi đúng là cây gãy đổ để lâu sẽ hỏng, giảm giá trị, lãng phí lâm sản như báo thông tin”- ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, đối với rừng sản xuất mà người dân tự bỏ vốn đầu tư thì không vấn đề gì, người dân có quyền thu gom, khai thác theo phương án của mình. Nhưng đối với rừng phòng hộ, hay rừng đặc dụng, nếu chiếu theo Thông tư 21/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản và Thông tư 18/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự thủ tục thanh lí rừng trồng, nếu cho triển khai thu gom ngay là quá nhạy cảm, dễ xảy ra sai sót.
“Nếu đồng ý một cái cho chủ rừng và dân thu gom, tận thu ngay, mà không quản lí, giám sát chặt chẽ thì việc tận thu, khai thác sẽ rất dễ nảy sinh yếu tố phức tạp. Chỉ cần một con đường vận chuyển được mở, hay chỉ sơ hở chút là xảy ra việc lợi dụng thu gom, tận thu lâm sản để chặt phá và khai thác rừng trái phép. Ngoài ra, nếu không chặt chẽ hồ sơ cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực, vì đây là vốn nhà nước bỏ ra. Thế nên sau khi thảo luận về chuyên môn thì Sở thống nhất chỉ đạo phải làm đúng trình tự, thủ tục”- ông Thịnh nói.
Phóng viên nhắc lại những lo lắng, sự sốt ruột của chủ rừng và người dân về các thủ tục hành chính sẽ khiến cây gãy đổ, nhất là đối với keo tràm bị thời tiết nắng nóng, khô hanh làm hỏng, khó xuất bán; ông Thịnh cho biết, trong quá trình triển khai sẽ không cứng nhắc về vấn đề này. Và nội dung này ông Thịnh cho biết, hai sở NN&PTNT và Tài chính Hà Tĩnh sẽ đưa ra bàn thảo tại cuộc họp được tổ chức vào sáng nay, 28/9, tại trụ sở Sở NN&PTNT tỉnh.
“Tinh thần chung là hai sở sẽ họp bàn làm thế nào vừa đảm bảo các quy định của nhà nước, vừa tạo mọi thuận để chủ rừng, người dân thu gom, tận thu ngay các diện tích rừng bị thiệt hại do bão. Nhất quyết không để xảy ra tình trạng lâm sản bị hỏng mới tiến hành thu gom gây thiệt hại cho nhà nước, chủ rừng và nhân dân” – ông Thịnh nói.
Người dân nhận khoán rừng trồng phòng hộ thuộc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất muốn được tận thu ngay rừng cây bị bão sô 10 quật gãy đổ này để gỡ gạc phần nào thiệt hại.Người dân nhận khoán rừng trồng phòng hộ thuộc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất muốn được tận thu ngay rừng cây bị bão sô 10 quật gãy đổ này để gỡ gạc phần nào thiệt hại.
Ghi nhận các phương án thu gom, khai thác mà chủ rừng và người dân nhận khoán rừng trồng chịu thiệt hại nặng nề của địa phương nêu ra trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, tuy nhiên, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết sở không thể quyết định được. Sở NN&PTNT chỉ có thể đề xuất, thẩm quyền quyết định là của UBND tỉnh. (Dân Trí 28/9; Vba.com.vn 28/9)
Chính sách giao đất, giao rừng đã góp phần huy động các nguồn lực bảo vệ, phát triển rừng
Ngày 27-9, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã tổ chức Hội thảo thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016. Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, dự và phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, việc thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016 đã được các địa phương quan tâm, triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tính đến hết ngày 31-12-2016, các địa phương đã giao 1.128.096 ha rừng cho cộng đồng dân cư quản lý; giao 2.930.059 ha rừng cho hộ gia đình quản lý, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 32% diện tích được giao. Trung bình, mỗi hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng và cấp quyền sử dụng là 2,7ha. Tổng kinh phí thực hiện chính sách này trong 10 năm qua là 663 tỷ đồng.
Việc giao đất, giao rừng và công nhận quyền hợp pháp lâu dài đã tạo tâm lý ổn định cho người nhận, tạo động lực cho cộng đồng và hộ gia đình huy động nguồn lực vào bảo vệ và phát triển rừng. Sau 10 năm, hầu hết diện tích rừng trồng mới, rừng tự nhiên tái sinh, tỷ lệ độ che phủ của các tỉnh đều tăng; hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, đồng thời bảo tồn, phát triển hệ sinh thái.
Đặc biệt, một số địa phương đã quan tâm giải quyết khâu tiêu thụ cho các sản phẩm mà người dân sản xuất được, điển hình như Quảng Nam có 5 nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây keo, Nghệ An có 1 doanh nghiệp tiêu thụ hầu hết sản lượng cây keo trên địa bàn…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hà Ngọc Chiến mong rằng, trên cơ sở kết quả đã đạt được, qua hội thảo sẽ có thêm nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong thực hiện chính sách giao đất, giao rừng. Đồng thời, có những đề xuất xác đáng, sát thực để kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên cả nước. (Biên Phòng Online 28/9)
Dự án Đồi Thông Phan Gia gặp khó tại Đắk Lắk: Vì vướng rừng phòng hộ hay vì năng lực của chủ đầu tư?
Dù cho dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh nhưng có gần 51 ha trên tổng 71 ha là đất rừng phòng hộ. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham mưu không giao đất cho nhà đầu tư. Ngoài ra, Phan Gia cũng chưa đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phan Gia (Phan Gia) đề xuất đầu tư dự án Điểm Du lịch Đồi Thông Phan Gia tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Hạng mục công trình dự án gồm: khu trung tâm điều hành du lịch, khu resort nghỉ dưỡng sinh thái dưới tán rừng; khu vui chơi, giải trí, thể thao dưới tán rừng; khu nhà hàng dịch vụ ẩm thực; khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe….
Tổng vốn đầu tư gần 92,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 3 năm, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Đây là dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2372/QĐ-UBND ngày 12/08/2016.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án tại khu đất có diện tích 71,09 ha, bao gồm 64,6 ha diện tích có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường đến năm 2020; và nhà đầu tư là Phan Gia chưa đủ điều kiện về năng lực tài chính, chỉ có vốn chủ sở hữu gần 6,2 tỷ đồng, bằng 6,68% tổng vốn đầu tư của dự án.
Hơn nữa, theo quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Hòa Thắng được UBND TP. Buôn Ma Thuột phê duyệt thì vị trí lô đất đề xuất thực hiện dự án thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, 71,09 ha đất nói trên đang do Công ty Đô thị và Môi trường quản lý hiệu quả – chủ động triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thành lập Đội vảo vệ và phát triển rừng….Công ty Đô thị và Môi trường đã bảo vệ và chăm sóc tốt diện tích rừng 50,79 ha; trồng mới được 1,5ha rừng bằng cây bản địa.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có ý kiến xem xét không đề xuất giao 71,09 ha rừng và đất rừng phòng hộ môi trường tại xã Hòa Thắng cho Phan Gia quản lý, xây dựng dự án đầu tư Điểm du lịch Đồi Thông Phan Gia. Bởi, 71,09 ha nói trên đang được Công ty Đô thị và Môi trường quản lý tốt, hiệu quả.
Nếu tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án trên thì tỉnh phải điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thượt đến năm 2025. Ngoài ra, đây là dự án có quy mô trên 20 ha, nên dự án cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Với những vướng mắc trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh kiến nghị tỉnh có văn bản thông báo cho Phan Gia vể việc chưa có cơ sở xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với đề xuất thực hiện dự án Điểm du lịch Đồi thông Phan Gia.
Được biết, Phan Gia là doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Phan Kim Ân làm giám đốc.
Bà Phan Kim Ân cũng là giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phát có trụ sở tại lầu 6, tòa nhà Vietcomreal, số 68 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. (Bizlive 28/9)
Bắc Giang: Ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Kiên quyết ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng tự nhiên theo quy định pháp luật. Chỉ đạo thống kê, báo cáo thực trạng diện tích rừng tự nhiên bị phá trong thời gian qua (từ năm 2016 đến nay). Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền, các ngành chức năng và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên.
Rà soát, báo cáo, đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, đề nghị các địa phương tạm dừng việc triển khai các dự án cải tạo rừng để trồng rừng. Đồng thời, ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng nhằm đảm bảo duy trì và phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên việc kiểm tra truy quét các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật. (Bacgiang.gov.vn 28/9)
Sơn La: Giữ rừng ở Nà Mạc
Nà Mạc là một trong những bản vùng sâu của xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai). Nơi đây có diện tích rừng lớn với giá trị lâm sản còn nhiều. Đa phần các hộ trong bản đều lao động và sinh sống gần rừng, nên nguy cơ gây ảnh hưởng tới rừng khá cao…
Tuy nhiên, trong gần 16 năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là việc giao đất giao rừng cho các tổ chức đoàn thể và hộ gia đình quản lý, bảo vệ, diện tích rừng của bản đều tăng, không có tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định và không có cháy rừng…
Trước khi đến Nà Mạc, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai. Thông tin đầu tiên tiếp nhận được là trong mấy năm gần đây tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép tại địa bàn huyện, nhất là tại các xã trọng điểm đã giảm đáng kể, không còn các vụ vi phạm lớn như trước. Có rất nhiều xóm, bản đã duy trì tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, có những bản duy trì từ 10 năm đến hơn 20 năm không để xảy ra cháy rừng. Rừng tại các cơ sở đã được chăm sóc, bảo vệ hiệu quả, nhân dân đã ý thức được về những lợi ích khi bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm trong việc giữ rừng. Trong số những xóm, bản làm tốt công tác này có bản Nà Mạc. Đây là một bản không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn tiêu biểu trong phong trào trồng rừng…
Vượt gần 40 km từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai về xã Mường Giôn, chúng tôi có mặt tại bản Nà Mạc. Khung cảnh đầu tiên hiện ra trước mắt là những cánh rừng phòng hộ xanh mướt. Đứng từ xa đã nhìn thấy những thân cây to như những hàng cột điện trong những cánh rừng. Thi thoảng có những khu rừng thông do nhân dân trong bản trồng từ 2 năm đến 10 năm mọc thẳng tắp nơi lưng chừng hay dưới những chân núi. Đưa chúng tôi lên một quả đồi ngay cuối bản, ông Lò Văn Thanh, Trưởng bản Nà Mạc, khoe: Hiện, bản có hơn 600 ha rừng phòng hộ, giá trị lâm sản còn rất nhiều. Riêng khu vực này là rừng sản xuất, rộng 11,7 ha, trước đây là đồi trọc và lau lách, giờ đã được phủ xanh bằng thông mã vỹ. Khi thông lớn, bà con sẽ được hưởng lợi từ chính diện tích rừng trồng này. Từ năm 2002 đến nay, sau khi rừng được giao cho các hộ, tổ chức đoàn thể, diện tích rừng trong bản tăng hằng năm, các hộ tích cực tham gia đăng ký trồng rừng. Quan trọng nhất là bản không còn tình trạng phá rừng, cháy rừng. Như năm nay, các hộ trong bản đã đăng ký trồng trên 28 ha rừng sản xuất…
Rừng ở bản Nà Mạc được giao cho 21 hộ trong bản và các tổ chức đoàn thể quản lý, bảo vệ. Hằng năm, các chủ rừng được chi trả tiền quản lý, bảo vệ từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Để nắm bắt kịp thời tình hình tại địa bàn, bản đã thành lập Tổ bảo vệ rừng, mỗi tuần đi kiểm tra rừng một lần. Đồng thời, hằng tháng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền kết hợp với kiểm tra từng khu vực có rừng trong bản, nhất là những nơi còn nhiều giá trị lâm sản quý. Cùng với đó, bản còn tổ chức ký cam kết với từng hộ trong bản, nếu hộ nào vi phạm, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, cuối năm bản sẽ gắn với việc đánh giá thi đua đối với các hộ. Ngoài ra, bản còn có nội quy riêng với những quy định cụ thể xử lý vi phạm đối với từng hành vi gây ảnh hưởng tới rừng, như: Vào rừng lấy măng nứa sẽ bồi thường 5.000 đồng/cây măng; măng bương là 20.000 đồng/cây. Đối với các hộ ở trong rừng cộng đồng và gần rừng, chỉ cho phép sử dụng 20 m xung quanh nhà để trồng cây, làm vườn. Đối với các hộ có nhu cầu sửa chữa nhà thì phải báo với bản. Sau đó, bản sẽ báo với xã và cơ quan chuyên môn xem xét. Sau khi tổ chức xuống kiểm tra thực tế mới quyết định cho khai thác gỗ với sự giám sát của bản, kiểm lâm địa bàn và gỗ sẽ tính 600.000 đồng/m3… Ông Lò Văn Châư, Bí thư Chi bộ bản Nà Mạc, cho biết: Từ năm 2002 đến nay, mặc dù có nội quy cụ thể về xử lý vi phạm về rừng nhưng bản chưa phải xử lý một cá nhân, hộ nào. Bà con trong bản đã thấy rõ lợi ích của việc bảo vệ và trồng rừng. Như Chi bộ bản hằng năm đều có nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng; giao cụ thể và gắn trách nhiệm cho 12 đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, từng khu vực có rừng. Nếu đảng viên nào để nơi mình phụ trách xảy ra phá rừng, cháy rừng sẽ đánh vào thi đua cuối năm và cũng sẽ phê bình công khai trước bản…
Từ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Nà Mạc là một trong những cơ sở đã giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Những kết quả mà Nà Mạc đạt được chính là kinh nghiệm quý để một số cơ sở trong tỉnh còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng học và làm theo… (Baosonla.org.vn 28/9)
Khánh Hòa trồng thêm 400 ha rừng ngập mặn vùng ven biển
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 trồng thêm 400 ha rừng ngập mặn với hai loại cây chủ yếu là đước và tràm.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chống xói lở và cải thiện môi trường vùng ven biển.
Thành phố Nha Trang dự kiến trồng, chăm sóc và bảo vệ trên 61 ha rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Số lượng cây trồng mới tập trung ở khu vực Đầm Bấy và Bích Đầm thuộc vịnh Nha Trang với hơn 11 ha, diện tích còn lại ở khu vực sông Quán Trường với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn cũng được ưu tiên ở vùng ven các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và ven hai đầm Nha Phu và Thủy Triều.
Trước năm 1990, ở những khu vực này có hàng nghìn ha rừng ngập mặn. Sau khi bị suy giảm mạnh, hiện nay khu vực này chỉ còn khoảng trên 100 ha. Việc mở rộng diện tích ao, đìa nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển là nguyên nhân chính gây mất rừng ngập mặn ở Khánh Hòa.
Từ năm 2006 đến nay, Khánh Hòa đã triển khai nhiều dự án trồng và khôi phục lại rừng ngập mặn ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, khu vực Đầm Bấy trong vịnh Nha Trang, ven đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm, nhất là ở ven đầm Nha Phu thuộc hai xã Ninh Ích và Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa. Theo đó, rừng ngập mặn hiện có ở Ninh Ích là trên 30 ha, Ninh Lộc khoảng 40 ha.
Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, huyện Vạn Ninh cho biết, việc trồng và khôi phục rừng ngập mặn được thực hiện dựa vào cộng đồng, hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài và ngân sách địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là người dân đã có ý thức trồng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ bao của ao, đìa nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường vùng nuôi.
Việc trồng và khôi phục rừng ngập mặn ở Khánh Hòa cũng đang còn những khó khăn, do đất ngập mặn trước đây đã biến đổi khiến cây giống mới khó thích nghi. Hơn nữa, tỷ lệ cây ngập mặn sống và phát triển tại đây đạt khá thấp chỉ từ 50 – 60%. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để trồng và bảo vệ rừng ngập mặn còn hạn chế, trong khi các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và dự án phát triển kinh tế vẫn đang ảnh hưởng đến rừng ngập mặn… (Tin Tức Online 28/9; Khanhhoa.tintuc.vn 28/9)
Thanh Hóa: Huyện Ngọc Lặc phát triển rừng sản xuất chu kỳ dài
Trong những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay, nhiều cánh rừng keo lai ở các xã Phùng Minh, Phùng Giáo, Thúy Sơn, Quang Trung… đang vào thời kỳ chăm sóc chu kỳ thứ 2 và bắt đầu cho khai thác tỉa. Việc khai thác tỉa giúp người trồng rừng có thu nhập từ rừng để trang trải những chi phí trong suốt chuỗi thời gian chăm sóc rừng kéo dài 4 đến 5 năm. Khai thác tỉa thưa rừng keo, tạo điều kiện cho những cây còn lại phát triển theo chu kỳ dài hơn, để khai thác gỗ lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là biện pháp trồng rừng đang được các chủ rừng sản xuất ở huyện Ngọc Lặc áp dụng. Ông Phạm Văn Hợi, làng Chu, xã Phùng Minh, cho biết: Đa phần cây trồng là keo lai, sau 5 đến 7 năm cho thu hoạch, sản lượng trung bình 80 tấn gỗ/ha, giá gỗ keo từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn nên người trồng rừng ở đây thu nhập từ 72 đến 80 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha rừng trồng cho lợi nhuận từ 50 đến 60 triệu đồng. Nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng và chăm sóc hàng chục ha rừng keo sản xuất. Nhận thức được lợi ích từ việc trồng rừng, đa số các hộ đã chủ động đầu tư vốn mua cây giống trồng, chăm sóc, phát triển rừng.
Hàng năm, toàn huyện Ngọc Lặc trồng mới khoảng 1.500 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo. Ngoài ra, các phòng, ban, các xã, thị trấn trên địa bàn đã phối hợp với hạt kiểm lâm huyện xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy diện tích rừng hiện có và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, hiện phát triển rừng sản xuất trên địa bàn huyện Ngọc Lặc vẫn còn nhiều khó khăn, bởi địa hình núi cao, dốc, xói mòn, rửa trôi. Ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, phát triển rừng còn hạn chế, sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu bán nguyên liệu thô. Huyện chưa quy hoạch cụ thể từng vùng, khu vực, rừng trồng còn hỗn giao nhiều loại cây, dẫn đến chất lượng rừng trồng còn thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Một số hộ dân còn sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu đất của các hộ dân trong quá trình trồng rừng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ…
Để tiếp tục phát triển và bảo vệ rừng, huyện Ngọc Lặc đang tích cực thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp của các cá nhân, tổ chức sản xuất trên địa bàn. Xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX trồng rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản theo hướng phát triển bền vững tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC (do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp). Quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến lâm sản; thực hiện có hiệu quả việc liên doanh, liên kết giữa cơ sở chế biến với người trồng rừng. Khuyến khích người dân địa phương đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất chu kỳ dài và cải tạo chuyển đổi diện tích rừng gỗ nhỏ sang chăm sóc phát triển cây gỗ lớn. Đồng thời, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. (Báo Thanh Hóa Online 28/9)
An Lão, Bình Định: UBND các xã, thị trấn ký cam kết bảo vệ rừng
Ngày 27.9, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng Quy chế phối hợp và ký cam kết triển khai thực hiện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCC rừng trên địa bàn huyện.
Theo đó, Hạt Kiểm lâm và UBND các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, các hội đoàn thể các cấp và chủ rừng tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCC rừng đến người dân bằng nhiều hình thức, đồng thời tổ chức cho hộ dân ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; không tham gia khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Nội dung phối hợp còn là hai bên tổ chức tốt công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và phá bỏ cây trồng trái phép tại địa phương; thực hiện tốt công tác PCCC rừng, xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng, gỗ tận thu khi khai thác, vận chuyển theo đúng quy định; khi phát hiện có trường hợp xâm hại đến rừng thì khẩn trương phối hợp điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật. (Baobinhdinh.com.vn 28/9)
Đồ gỗ Bình Định chưa có thương hiệu
Thời gian qua, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, song các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả khả quan, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt, trong đó có những quy định của chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC, Hiệp định VPA/FLEGT… Tuy nhiên, đây không chỉ là “rào cản kỹ thuật” mà cũng là cơ hội đối với các DN CBG-LS. Vì vậy, ngoài việc củng cố, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, các DN đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực, quy định quốc tế… Kết quả, theo thống kê, tháng 8.2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành CBG-LS tăng 9% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 4,4%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%.
Còn theo ông Lê Vỹ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phú Tài, thời gian qua, cũng như nhiều DN CBG-LS trên địa bàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Phú Tài gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, bên cạnh sắp xếp lại bộ máy nhân sự, dây chuyền sản xuất, Công ty tăng cường kiểm soát các công đoạn chế biến gỗ theo chuẩn mực quốc tế và những quy định về FSC-CoC, Hiệp định VPA/FLEGT… Kết quả, 8 tháng đầu năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty Phú Tài đạt gần 15,2 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài Tổng Công ty Phú Tài, trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều DN CBG-LS có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ, như: Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (đạt 14,282 triệu USD, tăng 40,2%); Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành (gần 8,5 triệu USD, tăng 27,3%); Công ty TNHH Thế Vũ (trên 3,95 triệu USD, tăng gấp 2,25 lần)…
Theo ông Lê Minh Thiện, mục tiêu của ngành CBG-LS giai đoạn 2017-2020 là phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân hàng năm 5 – 10%; đến năm 2020 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 450 triệu USD; tăng dần cơ cấu đồ gỗ nội thất đạt khoảng 35 – 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Bình Định. Mục tiêu trọng tâm của FPA Bình Định là quyết tâm xây dựng, phát triển ngành CBG-LS bền vững với thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”.
Thực hiện mục tiêu trên là không hề đơn giản, bởi theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực CBG-LS, các DN Việt Nam đang phải đối diện với 4 thách thức về nguồn nguyên liệu gỗ, là: Áp lực nguồn cung; chất lượng gỗ rừng trồng trong nước; gỗ có chứng chỉ rừng (FSC, PEFC); nguồn cung cấp gỗ trong tương lai gần.
Ông Lê Minh Thiện cho rằng, trước 4 thách thức trên, FPA Bình Định đã đề ra một số giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa ngành CBG-LS phát triển bền vững, như: Tập trung chuyển đổi và phát triển sản xuất đồ gỗ nội thất theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, tăng năng lực chuyên môn hóa và tự động hóa trong sản xuất. Vận dụng linh hoạt các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và UBND tỉnh để tăng mức độ liên kết và hiệu quả của ngành gỗ với các ngành hỗ trợ (nguyên liệu, máy móc, phụ kiện bao bì, hóa chất, dịch vụ, logistic…), bảo đảm nâng dần vị thế cạnh tranh của ngành gỗ trong chuỗi sản phẩm gỗ và lâm sản toàn cầu. Phát triển hệ thống trách nhiệm giải trình cấp Hiệp hội và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức, chương trình liên quan. Xây dựng hệ thống dữ liệu ngành gỗ Bình Định, kết nối với một số hiệp hội gỗ trong nước để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên. Hợp tác thực hiện các dự án xúc tiến thương mại và xuất khẩu đồ gỗ Bình Định cùng các dự án đào tạo, đổi mới công nghệ chế biến gỗ. (Nông Nghiệp Việt Nam 29/9, tr12)
Phá rừng dương ven biển để trồng rau ở Quảng Ngãi: Cần sự đồng thuận của người dân
Những ngày qua, hàng chục hộ dân thôn 4 (xã Đức Chánh, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) vô cùng bức xúc, phản đối quyết liệt trước tình trạng chính quyền địa phương chặt phá hơn 5ha rừng phòng hộ cây dương liễu ven bờ biển của xã. Đỉnh điểm, chiều 26-9, hàng chục người dân đã xuống hiện trường ngăn chặn không cho xe chở gỗ ra khỏi rừng, khiến tình hình ANTT tại địa phương trở nên lộn xộn…
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, đã có hơn 4ha rừng dương liễu nơi đây bị chặt phá. Rừng dương liễu bị phá chỉ cách bờ biển Đức Chánh hơn 200m, nhiều gốc cây đường kính từ 20-30cm bị đốn hạ, một số cây vừa bị đốn hạ còn sót lại do người dân không cho vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường, bà Nguyễn Thị A cho biết, sự việc diễn ra cách đây gần 2 tháng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hề thông báo gì cho người dân, chỉ thấy có người xuống cưa hạ rừng, báo lên chính quyền thì bảo là sẽ họp dân sau. Chính quyền địa phương giao cho Cty TNHH MTV Thiên Minh khai thác diện tích rừng dương liễu đó. “Chúng tôi chặt những cành cây nhỏ làm củi thì bị chính quyền địa phương xử phạt, thế mà bây giờ họ lại chặt phá hơn 4ha rừng thế kia. Từ khi rừng bị chặt phá, sương muối vào rất nhiều, làm hư hại lúa, hoa màu, không thể trồng trọt được gì cả. Mùa mưa bão sắp đến nguy cơ sẽ đói!”, bà A tâm sự. Ông Trần Thanh Tú-một cựu chiến binh thôn 4 thông tin: Sau khi sự việc xảy ra thì cách đây 10 ngày chính quyền địa phương mới tiến hành họp dân. Tại cuộc họp, nhân dân không đồng tình việc phá rừng phòng hộ dương liễu để quy hoạch trồng rau. Tuy nhiên, việc phá rừng vẫn cứ diễn ra nên chúng tôi buộc phải xuống đây chặn không cho xe chở gỗ ra khỏi rừng. “Rừng này có từ rất lâu, được ông bà tôi trồng, tuổi đời phải trên 40 năm, đây là rừng phòng hộ trồng để chắn gió, chắn cát, ngăn sương muối từ biển thổi vào khu dân cư. Rừng đã quá mỏng rồi nhưng chính quyền địa phương vẫn cho chặt phá, bây giờ phá quá 5ha rồi”, ông Tú bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Bảy-Bí thư Đảng ủy xã Đức Chánh cho biết, 4,1ha rừng dương liễu này đã được chuyển sang rừng sản xuất, không còn là rừng phòng hộ. Việc chuyển 4,1ha rừng dương liễu nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới quy hoạch 17ha làm vùng trồng rau sạch được tỉnh phê duyệt đầu năm 2017, nhưng quy hoạch trước 4,1ha là làm thí điểm. “Đây là việc làm thiết thực nhằm cải thiện đời sống cho người dân, vùng rừng phòng hộ dương liễu có 47,5ha, chiều dài ven bờ biển Đức Chánh là 1,6km, từ vùng quy hoạch ra đến bờ biển Đức Chánh là 310m đủ điều kiện để đảm bảo về công tác phòng chống ngăn sương muối xâm nhập vào khu dân cư. Vùng khai thác nằm liền kề với khu dân cư nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất của người dân. Sau khi san lấp mặt bằng sẽ phân lô giao cho người dân trồng rau sạch để cải thiện đời sống. Tôi nghĩ đó là việc làm đúng”-ông Bảy lý giải. Ông Bảy cho biết thêm, trong cuộc họp dân vừa rồi, đa số người dân đều đồng ý việc chuyển 4,1ha rừng sang trồng rau. Tuy nhiên, có một số người trước kia có trồng cây dương liễu tại đây đòi bồi thường với giá cao hơn so với giá tỉnh đưa ra nên cần phải có ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Người dân thông tin đã hơn 5ha rừng bị phá là không đúng. Chi cục Kiểm lâm Tỉnh và UBND xã đã tiến hành đo đạc, diện tích khai thác nằm trong 4,1ha, không sai phạm gì cả…
Chưa biết dự án trồng rau như thế nào nhưng người dân lo lắng cánh rừng “phòng hộ” ven biển, được xem như “lá phổi xanh” bị xẻ thịt sẽ tác động xấu đến cuộc sống của họ. (Công An Đà Nẵng Online 28/9)
Nghệ An: Quế Phong trồng mới được 688 ha rừng
9 tháng đầu năm 2017, huyện Quế Phong đã trồng mới được 688 ha rừng trồng tập trung, tăng 82 ha so với cùng kỳ năm 2016 và 15,7 ha rừng phân tán. 3.550 ha rừng trồng được chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh 10.099 ha. Diện tích rừng được bảo vệ theo các dự án đạt 98.623 ha, tiếp tục duy trì độ che phủ rừng ở mức khá đạt, 76,5 %.
Bên cạnh đó huyện Quế Phong tập trung tăng cường kiểm soát, bảo vệ, phòng chống, khai thác, vận chuyển và sử dụng lâm sản trái pháp luật, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao công tác phòng chống cháy rừng. các hoạt động khai thác lâm sản, lâm sản ngoài gỗ thực hiện đúng quy định trong khai thác lâm sản.
Hiện nay huyện Quế Phong tập trung thực hiện các mô hình bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là Chè hoa vàng ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Mường Nọc, Châu Kim và Tiền Phong. Cây Đẳng Sâm ở xã Thông Thụ. (Nghean.gov.vn 28/9)
Ninh Bình: Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng
9 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn; cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Ký thỏa thuận hợp tác với Hội động vật học Frankfurt Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam trong việc tài trợ cho nhân viên bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long năm 2017; tổ chức điều tra đa dạng sinh học tại khu giáp ranh với sự hỗ trợ của chuyên gia do Hội động vật học Frankfurt Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam. Tuyên truyền các hộ gia đình giao nộp gấu đưa về khu bảo tồn gấu Ninh Bình. Tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng và sử dụng rừng đối với một số chủ rừng, chủ hộ nhận khoán; phối hợp với các huyện Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp kiểm tra giám sát việc tỉa thưa rừng trồng thông, đôn đốc trồng lại rừng sau khai thác theo phương án đã được phê duyệt. Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR, tại một số nơi trọng điểm cháy trong mùa hanh khô; phân công duy trì thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng khi có cháy rừng xảy ra.
Trong 9 tháng đầu năm đã xảy ra 02 vụ cháy rừng, tổng diện tích thiệt hại là 0,268 ha, chủ yếu cháy lướt thực bì dưới tán rừng. Đến nay toàn tỉnh trồng được 791 nghìn cây phân tán các loại, đạt 79,1% so với kế hoạch; bảo vệ rừng 15.602 ha, đạt 100% so với kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh rừng được 160,3 ha, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng sản xuất 234 ha, đạt 61% so với kế hoạch, diện tích rừng trồng được chăm sóc 405 ha, đạt 100% so với kế hoạch. (Ninhbinh.gov.vn 28/9)
Qảng Bình: Yêu cầu tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị gãy đổ do bão số 10
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản chỉ đạo tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị gãy đổ do bão số 10.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị đánh giá, kiểm tra nếu diện tích nào bị gãy đổ với tỷ lệ hơn 50% không còn khả năng phục hồi hoặc kinh doanh rừng không còn hiệu quả thì lập biên bản và tổ chức tận thu gỗ bị gãy đổ; đồng thời thực hiện thủ tục thanh lý, nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định, tuyệt đối không lợi dụng để khai thác rừng trái phép. (Nhân Dân Online 29/9 )
Việt Nam – Campuchia phối hợp chống tội phạm buôn động vật hoang dã
Trong hai ngày từ 26-27/9, Bộ Môi trường Campuchia đã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức khóa tập huấn “Tăng cường năng lực thực thi pháp luật và thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên biên giới”.
38 cán bộ đại diện các cơ quan thực thi pháp luật hai quốc gia Việt Nam và Campuchia gồm kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát môi trường, viện kiểm sát, cán bộ quản lý rừng quốc gia đã tham gia khóa tập huấn.
Mục đích chính của khóa tập huấn là hỗ trợ cơ quan chức năng tại 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia chạy dọc khu vực sườn Tây phía Nam dãy Trường Sơn trong cuộc chiến với tệ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng như tăng cường hợp tác giữa chính phủ hai nước trong giải quyết các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép qua biên giới.
Các kết quả khảo sát sơ bộ của WCS về thực trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Đăk Nông, Bình Phước, Việt Nam (2013-2016) và Mondulkiri, Kratie, Campuchia (2015) cho thấy, dọc biên giới tỉnh Đăk Nông và Bình Phước, nhiều chủ buôn lớn và nhà hàng có liên quan đến hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Một số chủ buôn xác nhận thu mua hàng động vật từ Vườn quốc gia Bù Gia Mập, và một số khu vực rừng thuộc tỉnh Bình Phước và Đăk Nông. Một số khác được vận chuyển trái phép từ khu bảo tồn Snoul và Seima ở Campuchia vào Việt Nam. Việc quản lý và ngăn chặn những mối đe dọa trên đối với đa dạng sinh học tại địa phương và khu vực rất cần nỗ lực hợp tác từ các cơ quan thực thi pháp luật tại 4 tỉnh biên giới của cả hai quốc gia Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu tại hội thảo, ông H.E. Svay Sam Eang, Phó tỉnh trưởng tỉnh Mondulkini cho biết: “Thông qua khóa tập huấn này, cơ quan chức năng của hai quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thêm về pháp luật bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các loài hoang dã, qua đó có thể thực thi pháp luật có hiệu quả ở cấp độ địa phương nhằm đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã”.
Trong khóa tập huấn, các học viên còn có cơ hội chia sẻ thông tin về các vụ buôn bán động vật hoang dã cũng như dự thảo các kế hoạch liên ngành về phòng chống buôn bán động vật hoãng dã giữa hai quốc gia.
Ngày 27/9, các học viên đã có cơ hội đến thăm một số điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã tại khu vực biên giới giữa tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và Bình Phước, Đăk Nông (Việt Nam). (An Ninh Thủ Đô 29/9, tr17)