Khác với mọi ngày, sáng ấy trên màn hình lớn ở văn phòng của Công ty luật BMVN đã ghi sẵn dòng chữ: “Lễ trao bằng sáng chế Hoa Kỳ” . Một người đàn ông bước vào, quần bò, áo phông giản dị, đầu tóc còn rối, trông như vừa bước ra từ một xưởng sản xuất nào đó. Đón nhận bằng với vẻ bình thản, nhưng chẳng mấy ai biết, cả chục năm nay Trần Hoài Nam đã bỏ tất cả để dấn thân vào nghiên cứu một công trình khoa học đầy khó khăn, thậm chí có gì đó ảo vọng chẳng khác nào Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió…
Bán nhà theo đuổi đam mê
Hành trình ấy càng khó khăn hơn khi Trần Hoài Nam chẳng được học hành đào tạo bài bản. Nhà sáng chế sinh năm 1971 này kể: “Tôi không được đào tạo chính quy, bỏ học đại học, tôi làm nhiều nghề để mưu sinh, cho đến một ngày năm 2005, trong một cuộc trò chuyện, một người bạn nói: “Nhuộm được gỗ là điều rất khó”. Vốn thích mày mò nghiên cứu, thích làm việc khó, tôi bỏ tất cả để thử nghiệm nhuộm gỗ. Nhuộm gỗ khó nhất là nhuộm vào sâu tận từng tế bào gỗ, như thế mầu không bao giờ phai. Mất ba năm thì tôi nhuộm được gỗ, nhưng trong quá trình đó tôi lại nảy ra ý tưởng: tại sao không ngâm gỗ trong dung dịch polymer dưới áp lực để tạo ra các sản phẩm gỗ có độ bền cao, chịu nước và chống mối mọt tốt?”.
Hỏi tức là trả lời, Trần Hoài Nam lại lao vào một cuộc thử nghiệm chưa từng có. Bất lợi của Nam là không được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, nhưng đó cũng là lợi thế. Nam tâm sự: “Nếu được đào tạo bài bản thì tôi không bao giờ dám làm. Mấy ông Tiến sĩ – Viện sĩ chuyên ngành lâm nghiệp cũng thừa nhận họ không bao giờ nghĩ ra và dám bắt tay vào nghiên cứu đề tài này. Lợi thế của tôi chính là chưa biết gì, không bị “nô lệ” bởi kiến thức, tôi lao vào khám phá, sáng tạo, thực nghiệm”.
Từ khi bắt tay vào tìm tòi sáng chế phương pháp ngâm gỗ trong dung dịch polymer, Trần Hoài Nam bỏ lại hết các công việc khác, ngày đêm miệt mài ở xưởng gỗ tỉnh Phú Thọ. Biết bao nhiêu thí nghiệm thất bại, Nam cũng không nhớ nổi nữa. Cùng với đó, Nam phải lần lượt bán đi những ngôi nhà của mình để có tiền tiếp tục theo đuổi đam mê. Bảy năm ròng miệt mài nghiên cứu, tiền đổ vào công trình rất nhiều nhưng không thu được đồng nào, Nam vẫn không bao giờ có ý định bỏ cuộc, dù phải ở nhà thuê. Vợ anh từng nửa đùa nửa thật: “Thà anh làm xe ôm còn giúp được gia đình hơn”.
Thế rồi một ngày nọ, thí nghiệm của Trần Hoài Nam đã thành công.
Nam miêu tả cho tôi nghe ý nghĩa của phương pháp ngâm gỗ trong dung dịch polyme: “Đưa gỗ tạp, gỗ công nghiệp chất lượng thấp ngâm trong dung dịch polyme dưới áp lực sẽ làm biến đổi chất lượng gỗ, cho ra sản phẩm gỗ hoàn toàn khác biệt, có chất lượng còn tốt hơn gỗ tự nhiên, nếu bốn loại gỗ tốt nhất được xếp vào hàng tứ thiết là đinh, lim, sến, táu thì gỗ này còn tốt hơn thế, mà giá thành rẻ hơn. Tôi đã cho chạy giả lập trong tình trạng thời tiết 30 năm thì gỗ này có độ bền rất tốt, chống chọi được với khí hậu nóng ẩm, không mối mọt”.
Việc biến gỗ tạp, gỗ công nghiệp thành gỗ chất lượng của Trần Hoài Nam được đánh giá đã mở ra một ngành công nghiệp mới. Nếu phương pháp này được đưa vào ứng dựng rộng rãi thì sẽ xóa bỏ được nạn chặt phá rừng tự nhiên để lấy gỗ, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ không còn phải đau đầu tìm nguồn nguyên liệu khi mà các yêu cầu về xuất xứ ngày càng nghiêm ngặt. Với nhiều phẩm chất vượt trội mà gỗ tự nhiên không có, loại gỗ này được ứng dụng rất đa dạng như làm đồ gia dụng nội ngoại thất…
Sáng chế mới trên phạm vi toàn thế giới
Nhưng hành trình để sáng chế của Trần Hoài Nam được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế cũng không hề đơn giản. Luật sư Trần Mạnh Hùng – người điều hành Công ty Luật quốc tế BMVN (thành viên của Baker McKenzie, một trong những công ty luật hàng đầu thế giới) trực tiếp tham gia vào hành trình này, cho biết: Từ tháng 5-2015 anh Trần Hoài Nam và các cộng sự đã bắt đầu liên hệ và gặp nhóm sáng chế của BMVN để được tư vấn về ý tưởng đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ xử lý gỗ mới tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, EU… Qua trao đổi với anh Nam và các cộng sự, BMVN nhận thấy rằng mặc dù anh Nam không được đào tạo chính quy nhưng có niềm say mê nghiên cứu và rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến xử lý gỗ. Giải pháp kỹ thuật về xử lý gỗ đã được anh Nam nghiên cứu, tìm tòi và sáng chế ra là phương pháp ngâm gỗ trong dung dịch polyme dưới áp lực để tạo ra các sản phẩm gỗ có độ bền cao, chịu nước và chống mối mọt rất tốt. BMVN nhận thấy đây là một sáng chế rất có ý nghĩa với cuộc sống hằng ngày và có hiệu quả cao, mang lại lợi ích lớn trong ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Từ tháng 6-2015 BMVN đã tổ chức hàng chục buổi làm việc cũng như các cuộc trao đổi với anh Nam và cộng sự để thu thập thông tin, từ đó tư vấn, hướng dẫn anh Nam tiếp tục hoàn thiện sáng chế của mình để trước tiên có thể soạn thảo được Bản mô tả sáng chế bằng tiếng Việt thể hiện được đầy đủ nhất các ý tưởng sáng tạo của anh Nam cũng như đáp ứng được các quy định của một bản mô tả sáng chế cần có.
Sau đó, BMVN kết hợp cùng với Baker & McKenzie Dallas chuyển bản mô tả sáng chế sang tiếng Anh và chuẩn bị các tài liệu để nộp đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ. Ngày 20-1-2017, BMVN kết hợp cùng với Baker & McKenzie Dallas đã tiến hành nộp đơn sáng chế Mỹ số U.S. No. 15/411,796. Ngày 26-11-2019, USPTO đã chính thức cấp Bằng độc quyền sáng chế Hoa Kỳ số 10,486,329B2 với tác giả sáng chế là anh Trần Hoài Nam.
Luật sư Trần Mạnh Hùng đánh giá: “Hoa Kỳ là một nước có nền khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Qua quá trình thẩm định đơn đăng ký sáng chế, USPTO đã đánh giá rằng sáng chế của anh Trần Hoài Nam là một giải pháp kỹ thuật có tính mới trên phạm vi toàn thế giới, có tính sáng tạo so với hiện trạng công nghệ của thế giới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Việc được cấp Bằng độc quyền sáng chế Hoa Kỳ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho anh Nam, thí dụ như: có độc quyền sử dụng và khai thác sáng chế trong vòng 20 năm kể từ ngày nộp đơn (20-1-2017), có quyền ngăn cản người khác sử dụng, khai thác sáng chế mà không được mình cho phép, có quyền chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng Bằng độc quyền sáng chế tại Hoa Kỳ”.
Sáng chế của anh Trần Hoài Nam “có tính mới trên phạm vi toàn thế giới” khi đã khắc phục được những nhược điểm trong quá trình gỗ được biến tính hóa học như luôn có một lượng monome còn tồn lại trong gỗ sau quá trình ngâm và đóng rắn. Trong quá trình sử dụng gỗ, lượng monome dư này sẽ bay hơi, tạo mùi khó chịu, gây kích thích và có hại cho sức khỏe. Với sáng chế mang tầm thế giới của mình, nhà khoa học “chân đất” người Việt Nam đã có đóng góp lớn trong chống hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường sống của trái đất.
Cầm tấm bằng độc quyền sáng chế Hoa Kỳ, Trần Hoài Nam lại trở về với xưởng gỗ của mình ở Phú Thọ, với nhiều dự định mới. Nam mong muốn mở ra một ngành công nghiệp chế biến gỗ mới, nhưng cần nhà đầu tư lớn. Hiện nay, dây chuyền, quy trình vận hành đã xong, với năng lực sản xuất đáp ứng được nhu cầu gỗ nguyên liệu rất lớn của thị trường. Và hành trình đưa sáng chế vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống ở Việt Nam chắc hẳn sẽ suôn sẻ hơn chặng đường mà Trần Hoài Nam đã độc hành để tìm ra sáng chế./.
Theo:Phùng Nguyên (Báo ND ngày 1-4-2020)
Khương Bá Tuân-Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa