Phong trào Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”

Thanh Hóa là tỉnh có vinh dự được nhiều lần đón Bác Hồ đến thăm và ân cần nói chuyện với cán bộ và nhân dân. Ngay sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, là người đứng đầu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng bác vẫn giành thời gian đến thăm và làm việc từ ngày 20 tháng 2 năm 1947. Bác khen

“Tỉnh Thanh biển bạc, rừng vàng,

Ruộng đồng bát ngát xóm làng liên miên”

Và Bác đã chỉ bảo ân cần, “Thanh Hóa phải phấn đấu để trở nên tỉnh  kiểu mẫu”. Thời gian trôi đi đã 71 năm nhưng lời Bác dạy năm xưa vẫn mãi mãi lắng động trong tâm khảm của người dân Xứ Thanh. Phong trào trồng cây trồng rừng cũng bất đầu từ đây, lúc đầu trồng cây Thông nhựa ở Khoa Trường (Tĩnh Gia), Phú điền (Triệu Lộc –Hậu lộc), những năm sau trồng Phi lao ở một số vùng ven biển. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Ngày 30/5/1959, với bút danh là Trần Lực, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã viết bài đăng trên báo Nhân dân số 1901 với chủ đề: Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở, trong đó Bác chỉ rõ: “Muốn làm cửa nhà tốt; phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay; dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Sáu tháng sau, cũng trên báo Nhân Dân số 2082, ngày 28/11/1959, Bác Hồ tiếp tục viết bài Tết trồng cây và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2. Trong bài viết này, Bác đã nêu rõ tác dụng của việc trồng cây và công việc đó “Tốn kém ít mà ích lợi nhiều”. Từ đó đến nay, phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã được duy trì và phát triển liên tục, trở thành phong tục tập quán và nét đẹp văn hoá của nhân dân cứ mỗi độ Xuân về Tết đến

Vào sáng ngày 6/1/1960, Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng Tết trồng cây (từ 6/1/ đến 6/2/1960) do Bác Hồ phát động nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2) được đăng trên báo Nhân Dân (số 2120) và nhiều tờ báo khác.Trong đó Bác kêu gọi mỗi người hãy trồng ít nhất một cây và phải chăm sóc cây cho tốt. Sau gần 3 tuần triển khai thực hiện, đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn trong cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng và Tết trồng cây đã thu được kết quả bước đầu. Bác Hồ không chỉ phát động Tết trồng cây mà Bác còn quan tâm theo dõi và kịp thời ghi nhận những thắng lợi đã đạt được của phong trào. Trong bài viết “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” đăng trên báo Nhân dân, số 2133 (ngày 19/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương một số địa phương thực hiện tốt Tết trồng cây. Người cũng nhắc nhở các địa phương không chỉ quan tâm đến việc trồng cây trong khuôn khổ Tết trồng cây (như cây lấy gỗ, cây lấy dầu, cây ăn quả, cây phong cảnh), mà còn phải có “kế hoạch trồng cây hai bên đường cái” để cho môi trường ở các làng, các thôn thêm xanh, thêm đẹp. Phải thực hiện đúng khẩu hiệu “trồng cây nào sống tốt cây ấy”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ,”Khắp miền Bắc từ thành thị đến nông thôn, đồng bào đã nhiệt liệt hưởng ứng Tết trồng cây. Tết trồng cây đã thu hút hàng triệu trái tim và tấm lòng nhiệt tình hăng hái của cán bộ, bộ đội và nhân dân trong cả nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa hăng hái tham gia và đã thu được kết quả to lớn bước đầu.

Tháng 12 năm 1961, đây là lần thứ tư tỉnh Thanh Hoá có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm, Bác đã đến thăm Hợp tác xã Yên Trường (huyện Yên Định) là nơi có nhiều thành tích về phong trào trồng cây, Bác khen “việc trồng cây gây rừng cũng có tiến bộ, đã trồng được 1 vạn cây lấy gỗ và cây ăn quả”. Bác đã tặng thưởng Huy hiệu của Người và 10 hạt giống cây Lát Hoa cho cụ Bồng là người có thành tích xuất sắc về trồng cây của Hợp tác xã để gây trồng và tạo cây giống cho xã viên phát triển trồng cây gây rừng. Trong buổi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thanh Hoá ngày 12/12/1961, khi nói về phong trào Tết trồng cây, Bác đã nói: Việc trồng cây gây rừng cũng phải đẩy mạnh hơn nữa (số cây trồng năm nay còn kém năm ngoái 650.000 cây, và những cây đã trồng thì chỉ sống độ 75%). Chúng ta phải hoàn thành kế hoach trồng cây và trồng cây nào phải chăm sóc cho tốt cây ấy. Trong ít năm nữa, cây cối trồng năm nay sẽ là một nguồn lợi rất lớn cho nhân dân ta…Từ đó đến nay, Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã nhanh chóng trở thành phong tục tập quán tốt đẹp, kết hợp giữa phong trào của nhân dân với kế hoạch trồng cây trồng rừng của nhà nước, hàng năm trồng được hơn 10.000 ha rừng tập trung và hàng chục triệu cây phân tán các loại. Sau hơn nửa thế kỷ làm theo lời Bác, toàn tỉnh Thanh Hoá đã trồng được hơn 200.000 ha rừng tập trung và hàng trăm triệu cây phân tán các loại, góp phần quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Tết trồng cây đầu tiên từ mùa Xuân năm Canh Tý – 1960, đến nay đã 58 năm làm theo lời Bác dạy, nhân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hoá đã liên tục thực hiện thắng lợi Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động và đã trở thành một phong tục tập quán và nét đẹp văn hoá giàu ý nghĩa nhân văn trong mỗi độ Xuân về Tết đến. Bình quân mỗi năm cả tỉnh trồng được từ 3.000 đến 7.000 ha rừng tập trung (cả rừng kinh tế, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cây bóng mát), cây trồng phân tán các loại hàng năm đạt được từ 3 đến 5 triệu cây. Diện tích rừng Luồng sau 5 năm trồng và chăm sóc đã cho khai thác sản phẩm bình quân từ 15 đến 20 triệu cây/năm, phục vụ phần lớn cho nhu cầu vật liệu xây dựng và chế biến nguyên liệu giấy, diện tích rừng gỗ có loại sau 10 năm trồng và chăm sóc cũng cho khai thác sản phẩm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng và chế biến hàng đồ gỗ cao cấp xuất khẩu sang Châu Âu và Châu Mỹ. Riêng năm 2017, nguồn đồ gỗ xuất khẩu của toàn quốc đạt hơn 8 tỷ USD, đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho tỉnh Thanh Hoá và cho cả nước. Là một tỉnh có phong trào trồng cây – trồng rừng phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc ở miền núi đã thoát cảnh nghèo nhờ có phong trào trồng cây, trồng rừng và kinh doanh sản phẩm rừng trồng (nguyên liệu giấy, gỗ ván ép, dược liệu Quế, Sa nhân, Thảo quả…)

Ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm tại Hàm rồng-TP Thanh Hóa

Riêng tết trồng cây năm Đinh Dậu 2017, với vai trò nòng cốt và chỉ đạo trực tiếp của lực lượng kiểm lâm trong tỉnh cùng với các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, toàn tỉnh đã gieo ươm được 15 triệu cây giống các loại đạt tiêu chuẩn trồng rừng và đã trồng được 797.226 cây phân tán, 282,4 ha rừng tập trung các loại mở đầu cho phong trào trồng cây, trồng rừng cả năm, đưa diện tích trồng rừng tập trung đạt hơn 10.000 ha và nâng độ che phủ của toàn tỉnh lên 52%. Một số loài cây chủ lực có giá trị kinh tế và phòng hộ cao như cây Lim xanh, Lát hoa, Sao đen, keo lai Úc. Đặc biệt Lim xanh Thanh Hóa là loài cây tốt nổi tiếng trong nước, nằm trong nhóm gỗ tứ thiết (Đinh hương-Lim-Sến-Táu) cấp quốc gia đang được khôi phục và phát triển mạnh ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Quan Sơn, Thường Xuân v.v..góp phần nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế, phòng hộ, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên thực tế của phong trào cũng cho thấy, trong mấy năm gần đây, việc tổ chức “Tết trồng cây” ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có xu hướng mang tính phô trương, hình thức. Các buổi lễ phát động được tổ chức hoành tráng “trống giong cờ mở” với rất nhiều người tham gia, nhưng số lượng cây trồng lại rất ít. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng, nhiều cây không sống nổi. Có địa phương đã phải chặt bỏ vì “không nằm trong quy hoạch”. Cá biệt có cơ quan, đơn vị diện tích đất hẹp nhưng vẫn cố gắng duy trì “Tết trồng cây” bằng cách chuyển cây từ chỗ này sang chỗ khác trong khuôn viên…Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Đặc biệt là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang mục đích khác mấy năm gần đây đạt hiệu quả rất thấp, thậm chí gây nhiều thiệt hại cho môi trường sinh thái. Tình trạng phá rừng, cháy rừng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh

Năm 2018, phát huy kết quả phong trào trồng cây bảo vệ rừng, tiếp tục thực hiện lời chỉ bảo ân cần của Bác Hồ về “Tết trồng cây”, tại Chỉ thị số 14-CT/TU Ngày 29-12-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất – năm 2018 đã đề ra nhiệm vụ  “phát động sâu rộng và huy động toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào Tết trồng cây bảo đảm thiết thực, hiệu quả”. Ý Đảng-lòng dân, toàn tỉnh ta quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh phong trào tết trồng cây, thực hiện hoàn thành 10.000 ha trồng rừng tập trung, chất lượng cao, đưa tỷ lệ che phủ của toàn tỉnh lên 53%, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.          Xuân Mậu Tuất 2018 là mùa Xuân tràn đầy niềm tin và hy vọng bởi Nghị quyết Đảng đã soi đường, Luật Lâm nghiệp (thay thế cho Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 15-11-2017 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018, tăng thêm sự hoàn thiện về thể chế quản lý ngành Lâm nghiệp. Nhiều chủ trương chính sách kinh tế mới của Nhà nước đã và đang đi vào cuộc sống, nền kinh tế đang được tiếp tục phát triển. Các tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh muôn người như một, mãi mãi khắc sâu lời dạy của Bác kính yêu về thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Hăng hái tham gia Tết trồng cây, mở đầu cho phong trào trồng cây, bảo vệ rừng năm 2018, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương đất nước, tiến tới thực hiện thành công nguyện vọng mong muốn như lời dạy cuả Bác Hồ khi Bác về thăm Thanh Hóa ngày 20 tháng 2 năm 1947 “Thanh Hóa phải phấn đấu trở nên một tỉnh kiểu mẫu” ./.

Khương Bá Tuân – Ủy viên BCH Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa

 

Tin Liên Quan