Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp

Ngày 26/5 tại Hà Nội, các hiệp hội gỗ đại diện cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt nam phối hợp với tổ chức Forest Trends đã tổ chức Hội thảo: “Ngành Gỗ Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp”.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận và đánh giá lại thực trạng cung cầu nguyên liệu gỗ nhập khẩu và thảo luận về nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu rủi ro cao và xu hướng thay đổi các nguồn cung này trong tương lai cũng như những tác động của thay đổi này đến nguồn cung gỗ nhập khẩu phục vụ chế biến đồ gỗ xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa. Từ những phân tích đánh giá sẽ rút ra những khuyến nghị phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cục của việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu rủi ro cao tới các bên liên quan.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã và đang giữ một vị trí quan trọng trên bản đồ các nước cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Thương hiệu gỗ Việt đã dần được hình thành và phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy mở rộng thị trường.

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 7 tỉ USD năm 2016, tăng nhẹ so với năm 2015. Với con số này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là lĩnh vực đứng thứ bảy trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Những tín hiệu tăng trưởng cao trong ngay những tháng đầu năm 2017 đang báo hiệu mức tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu năm 2017. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/7/2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,664 tỷ USD tăng 14,2% so với cùng kỳ. Riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu tăng 12,6% so với cùng kỳ báo cáo của năm 2015. Giá trị xuất khẩu luôn tăng nhưng nhập khẩu nguyên liệu, theo báo cáo, lại giảm. Việc giảm dần nguyên liệu nhập khẩu đã cho thấy ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

XNK gỗ Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Số liệu biểu đồ cho thấy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng gấp hai lần giai đoạn 2010-2015, từ 3,435 tỷ USD lên 6,899 tỷ USD. Đến 2016, xuất khẩu chi tăng nhẹ lên 6,969 tỷ USD. Giai đoạn từ 2010 đến 2013, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng nhẹ từ 1,1 lên 1,6 tỷ USD, đạt đỉnh vào năm 2014 với 2,2 tỷ USD, sau đó chững lại và giảm rõ rệt vào năm 2016, giảm 18% đạt 1,837 tỷ USD.

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nhiều quốc gia và với nhiều chủng loại gỗ khác nhau. Gỗ nhập khẩu không những bù đắp sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong nước mà còn đáp ứng cho nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng cả trong nước và nước ngoài.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) không chỉ là những thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm gỗ mà còn là các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu rất lớn cho ngành gỗ của Việt Nam. Hàng năm, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ và EU vào Việt Nam lên tới trên 1 triệu m3 gỗ quy tròn, tương đương với 30-35% trong tổng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2016 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 gỗ quy tròn từ 2 thị trường này. Gỗ nhập khẩu từ các quốc gia này một phần được đưa vào chế biết và xuất khẩu, phần còn lại được tinh chế thành sản phẩm gỗ phục vụ nhu cầu nội địa.

Những yêu cầu khắt khe hơn về truy suất nguồn gốc sản phẩm, các ràng buộc về mặt pháp lý của các quốc gia cung cấp và tiêu thụ là những lý do hàng đầu mà thời gian qua ngành chế biến gỗ của Việt Nam phải xem xét nguồn cung gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, việc xác định gỗ hợp pháp và nguồn cung rủi ro cao cũng gặp không ít những khó khăn do quy định pháp lý của mỗi quốc gia và các quy định của nhà nhập khẩu, thông tin và thiếu những công bố chính thức. Hoa Kỳ đã áp dụng đạo luật Lacey vào 9/2010, Quy chế gỗ của Liên minh châu Âu có hiệu lục từ 3/3/2013 gọi tắt là EUTR 995/2010, Luật về khai thác gỗ bất hợp pháp của Úc có hiệu lực từ 31/11/2014 và gần đây nhất ngày 11/5/2017 tại Brussels Bỉ, Việt Nam và EU đã ký tắt lời văn Hiệp định VPA/FLEGT, kết thúc chính thức tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyên (VPA/FLEGT) trong khuôn khổ của Chương trình Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT).

Tất cả những văn bản pháp lý nêu trên đều đòi hỏi các nhà cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sản xuất sản phẩm hợp pháp và luôn phải sẵn sàng giải trình ngay khi các đối tác nhập khẩu đưa ra yêu cầu truy suất nguồn gốc. Điều này có nghĩa rằng các nguồn gỗ nguyên liệu không rõ ràng và có rủi ro cao sẽ không có khả năng đáp ứng được các yêu cầu.

Kết thúc hội thảo, các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam là Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) và Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã cùng ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Tuyên bố nhấn mạnh việc ủng hộ Chính phủ phát triển cơ chế quản lý và kiểm soát chặt chẽ gỗ rừng tự nhiên; khuyến khích phát triển rừng trồng được quản lý bền vững, gỗ có đường kính lớn, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý về phát triển, khai thác, sử dụng, mua bán gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, thúc đẩy việc sử dụng, chế biến, sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước và từ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp và bền vững. Đặc biệt nhấn mạnh đến việc không một hội viên nào của các Hiệp hội tham gia vào các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ trái phép trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại các quốc gia cung gỗ nguyên liệu và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Tin Liên Quan