Chính sách nào cho làng nghề gỗ trong bối cảnh thị trường thay đổi

Ngày 18/01/2018, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forestrend tổ chức Hội thảo “Làng nghề trong bối cảnh hội nhập”. Tham dự hội thảo có đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và đại diện 5 làng nghề chế biến gỗ ở Phía Bắc của Việt Nam

Các làng nghề gỗ tham gia hội thảo có đặc điểm chung là có nhiều lao động tham gia sản xuất và sản phẩm phần lớn được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Trong những làng nghề này, Đồng Kỵ nổi tiếng là làng nghề có từ lâu đời và thương hiệu Đồng Kỵ có mặt khắp mọi miền của đất nước. Trước đây, đồ gỗ Đồng Kỵ xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Với mẫu mã đa dạng và gia công từ nhiều loại gỗ quý nên được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Hiện nay Đồng Kỵ có 2.500 hộ gia đình tham gia sản xuất và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Tiếp đến là La Xuyên, một làng nghề gỗ ở tỉnh Nam Định. Hình thành tại một địa phương có truyền thống lâu đời với nhiều nghệ nhân điêu khắc gỗ, La Xuyên nổi tiếng với các sản phẩm đồ mộc dân dụng. Do người dân làng nghề di cư đến nhiều vùng miền của đất nước để sinh sống và truyền nghề, nên sản phẩm đồ mộc của La Xuyên được nhiều địa phương biết đến, đặc biệt là ở miền Nam. Vạn Điểm là một làng nghề gỗ khác nằm ở phía Nam của Hà Nội. Sản phẩm bàn ghế của Vạn Điểm cũng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành phía Nam

Hữu Bằng mới nổi lên như là một trong những làng nghề gỗ lớn nhất ở vùng ven đô Hà Nội. Xuất phát từ một làng nghề dệt vải, trải qua nhiều thăng trầm, các hộ gia đình đã dần chuyển sang sản xuất đồ mộc. Đến nay, Hữu Bằng được biết đến là một làng nghề buôn bán gỗ và chế biến đồ mộc quy mô khá lớn. Bằng việc sử dụng gỗ rừng trồng nhập khẩu từ các quốc gia Âu – Mỹ, như sồi, tần bì, xoan đào, dẻ gai…, sản phẩm gỗ của Hữu Bằng có giá thành rẻ, mẫu mã hiện đại, được tiêu thụ nhiều trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thay đổi, các làng nghề gỗ đang đối diện nhiều thách thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy các làng nghề thiếu các quy định về sản xuất, quy mô nhỏ lẻ, môi trường ô nhiễm và thiếu đất sản xuất. Vấn đề này đã được bàn luận nhiều nhưng chưa có chuyển biến rõ nét về chính sách. Điển hình là làng nghề Đồng Kỵ, hình thành từ lâu đời, nhưng chưa có khu sản xuất riêng biệt. Đến nay, các hộ gia đình vẫn phải gia công đồ gỗ ngay tại nhà ở của mình. Điều kiện chật chội, mùi hóa chất và bụi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Hơn nữa, việc sản xuất, kinh doanh chưa thể mở rộng do diện tích nhà xưởng quá chật hẹp. Thiếu đất sản xuất cũng là vấn đề ở làng nghề gỗ Hữu Bằng. Do điều kiện sản xuất khó khăn, nhà cửa của các gia đình lại nằm sát nhau nên thiếu điều kiện phòng chống cháy nổ và ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu cũng cho thấy một thực trạng là các hộ kinh doanh cá thể trong làng nghề vẫn hoạt động theo truyền thống, chưa đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước. Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015, hộ gia đình có trên 10 lao động trở lên thì phải đăng ký kinh doanh. Các làng nghề gỗ hiện nay tổ chức sản xuất theo 3 loại hình: công ty hoặc cơ sở sản xuất được thành lập từ hộ gia đình, hộ gia đình sản xuất và thương mại và hộ gia đình thương mại.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng các hộ gia đình hiện nay sản xuất ngoài luồng vì  các giao dịch của họ vẫn chưa có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Một số đại biểu khác  cho rằng cần có quy định mạnh mẽ hơn nữa buộc các hộ gia đình đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xây dựng thêm hành lang pháp lý cho các hộ gia đình làng nghề, tôi xin đưa ra mấy quan điểm để các nhà hoạch định chính sách xem xét, cân nhắc:

  • Thứ nhất, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại các làng nghề vẫn thuộc bộ phận người nghèo trong xã hội, đặc biệt là các hộ gia đình trực tiếp gia công sản phẩm, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất không cao do sản phẩm của họ làm ra không có thương hiệu và lao động chủ yếu vẫn huy động cả gia đình cùng làm theo kiểu “lấy công làm lãi”. Tôi cũng quen biết nhiều hộ gia đình trong làng nghề và chính thành viên trong gia đình họ phải đi làm thuê cho các đơn vị khác do thu nhập hộ gia đình không bảo đảm. Do đó, theo khoản 2, điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp có thu nhập thấp thì không phải đăng ký kinh doanh là phù hợp với điều kiện hiện nay.
  • Thứ hai, các Phụ lục trong Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và thương mại Lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đều quy định đối tượng hộ gia đình. Phần Phụ lục II Định nghĩa gỗ hợp pháp bao gồm bảy nguyên tắc, Nguyên tắc VII quy định hộ gia đình chỉ tuân thủ các quy định về thuế trong khi đối tượng là tổ chức phải tuân thủ thêm cả các quy định về lao động. Điều này có nghĩa là khi hiệp định có hiệu lực, các hộ gia đình sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước chứ không phải thực hiện quy định đối với lao động. Hơn nữa, Phân loại tổ chức trong Phụ lục V Hệ thống bảo đảm tính hợp pháp gỗ của Việt Nam (VNTLAS) không áp dụng đối với đối tượng hộ gia đình. Điều này có nghĩa là hộ gia đình không bị phân loại khi Hiệp định có hiệu lực.
  • Thứ ba, hộ gia đình trong các làng nghề đã phải chịu thiệt thòi do điều kiện sản xuất thiếu thốn. Sản xuất “tại gia”, trong khuôn viên chật hẹp, qua nhiều thế hệ, các gia đình nghề gỗ này đã và đang phải sống trong điều kiện môi trường ô nhiễm. Do nhà cửa chật chội, chưa có phân khu quy hoạch làm nhà xưởng, nên họ luôn sống bên cạnh những nguy cơ hỏa hoạn. Đó cũng chính là những vấn đề rất đáng lo ngại ở nhiều làng nghề hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các hộ gia đình đăng ký kinh doanh cùng với những điều kiện thuận lợi ban đầu. Cần miễn hoặc giảm thuế cho họ trong một khoảng thời gian nhất định đủ để họ có thời gian thích ứng. Nhà nước cần đầu tư vào việc mở rộng sản xuất của họ bằng cách hình thành những khu/cụm công nghiệp làng nghề. Khi có khu vự sản xuất riêng biệt, các hộ gia đình sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và việc đăng ký kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn.

Làng nghề gỗ đóng vai trò rất quan trọng trong thị trường đồ gỗ của Việt Nam. Do đó, muốn phát triển thị trường nội địa thì cần phải có chính sách phù hợp để phát triển làng nghề.

Cao Thanh – VIFORES

 

Tin Liên Quan