Điểm báo ngày 18/10/2017

ĐIỂM BÁO LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
(Ngày 18 tháng 10 năm 2017)


Trích 0,5% tổng tiền dịch vụ môi trường rừng để chi cho Quỹ Bảo vệ rừng

Bộ Tài chính đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Dự thảo quy định, hàng năm trích 0,5% tổng tiền DVMTR để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

Dự thảo quy định, việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR được thực hiện theo hai hình thức: Chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp. Mức chi trả tiền DVMTR thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 99/2010/NĐ-CP; khoản 3, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 147/2016/NĐ-CP.

Dự thảo Thông tư còn quy định việc sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Theo đó, kinh phí quản lý được trích tối đa 0,5% tổng số tiền DVMTR thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy quỹ. Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của quỹ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Đối với Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh, kinh phí quản lý được trích tối đa 10% tổng số tiền DVMTR thực nhận trong năm. Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của quỹ, trình UBND cấp tỉnh quyết định.

Đối với chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền DVMTR để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.

Chủ rừng là tổ chức không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, phần diện diện tích còn lại chủ rừng tự bảo vệ thì toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được coi là nguồn thu của chủ rừng, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức.

Trường hợp chủ rừng là tổ chức có khoán bảo vệ rừng, kinh phí quản lý được trích không quá 10% tổng số tiền DVMTR chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ nêu trên để chi cho công tác quản lý các khu rừng cung ứng DVMTR. Đối với người tham gia thực hiện chi trả, tùy theo tình hình tài chính của đơn vị, chủ rừng quy định mức bồi dưỡng và trả tiền bồi dưỡng từ nguồn kinh phí quản lý. Số tiền còn lại sau khi trích kinh phí quản lý, chủ rừng chi trả cho bên nhận khoán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật, tùy theo tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã quản lý và sử dụng tiền DVMTR theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và khoản 3, Điều 3, khoản 3, Điều 4 Thông tư số 85/2012/TT-BTC.

Đối với tổ chức chính trị – xã hội, tiền DVMTR được quản lý và sử dụng theo phương án sử dụng kinh phí quản lý bảo vệ rừng do UBND cấp huyện phê duyệt.

Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, dự thảo Thông tư kế thừa các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR; đồng thời bổ sung quy định đối tượng được chi trả tiền DVMTR: UBND cấp xã và các tổ chức chính trị xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng (theo Điều 1 Nghị định số 147); bổ sung nội dung chi quản lý đối với Quỹ Bảo vệ rừng cấp tỉnh cho rõ hơn và sát thực tế.

Ngoài ra, một số quy định tại các Điều được viết lại cho rõ hơn và sát với thực tế (như quy định về quản lý sử dụng tiền DVMTR theo hình thức chi trả gián tiếp; quy định về thanh toán chi trả, báo cáo quyết toán tiền chi trả DVMTR…) (Nông Thôn Ngày Nay 18/10, tr10; Thoibaotaichinhvietnam.vn 17/10)

Đắk Lắk: Bắt thêm 6 người cưa cây thủy tùng trên 500 tuổi trong đêm

Ngày 17/10, Công an huyện Ea H’leo  đã bắt thêm 6 đối tượng để điều tra việc chặt phá cây thủy tùng hơn 500 tuổi trong khu bảo tồn.

Các đối tượng gồm: Y Lâm, Y Loan Ksor, Y Liêm, Y Nhia, Y Táh Adrơng và Y Diêm Adrơn cùng trú tại xã Ea Rah, huyện Ea H’leo.

Như VTC News đã đưa tin, khoảng 1h cùng ngày, lợi dụng trời mưa to, Y Truôi ADrơng và 6 thanh niên khác (chưa rõ họ tên) đã xâm nhập vào Trạm Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước xã Ea Rah, huyện Ea H’leo cưa trộm cây thủy tùng.

Đến 7h ngày 15/10, 7 đối tượng đã cưa đứt 1/2 cây thủy tùng trên 500 tuổi, có chiều dài 8m, đường kính thân cây 80cm thành nhiều đoạn rồi vận chuyển ra khỏi khu bảo tồn.

Sau khi bị bắt, Y Truôi ADrơng khai nhận cùng 6 đối tượng khác vào khu bảo tồn cưa trộm thủy tùng để đi bán lấy tiền tiêu xài và bị bắt giữ khi đang trên đường vận chuyển ra khỏi khu bảo tồn.

Thủy tùng tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc nhóm IA, là loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam. (Nông Nghiệp Việt Nam 18/10, tr2; VTCNews 17/10; Pháp Luật Việt Nam Online 18/10; VOVNews 17/10; Đại Đoàn Kết 18/10, tr11)

Lũ lụt kinh hoàng, nghĩa trang vẫn muốn “nuốt” rừng phòng hộ: Không thể làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Liên tiếp lũ lụt tang thương diễn ra khắp nơi có nguyên nhân phá rừng, ngay lập tức Thủ tướng đăng đàn chỉ đạo về quản lý và bảo vệ rừng. Thế nhưng, sát Thủ đô, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn muốn chuyển rừng phòng hộ trên núi Tam Đảo làm nghĩa trang…

Trao đổi với Tiền Phong, liên quan chủ trương lấy rừng phòng hộ để làm nghĩa trang (xã Bồ Lý, Tam Đảo, Vĩnh Phúc), một lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, Thủ tướng vừa chỉ đạo tạm dừng việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác, vì thế Vĩnh Phúc không thể làm trái chỉ đạo Thủ tướng. Theo vị này, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng chuyển rừng tự nhiên nghèo sang phục vụ các mục đích khác như cây công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ điện nhỏ, kể cả các dự án được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Do vậy, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo này.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng hồi giữa tháng 5/2017, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Cứ nói đến xây dựng nghĩa trang, nhà máy rác là một bộ phận người dân lại chưa đồng tình. Nhưng với vấn đề này, tôi nghĩ Vĩnh Phúc cần quyết tâm làm”. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, tỉnh mới xin chủ trương quy hoạch công viên nghĩa trang, chứ chưa cụ thể sử dụng bao nhiêu diện tích đất rừng nên “đồi vẫn nguyên, cây vẫn nguyên”. Trên thực tế, tỉnh này vẫn âm thầm tổ chức để chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất. Còn liệu từ rừng sản xuất có thành gì nữa không thì có thể đoán được.

Nói về quyết tâm trên của Vĩnh Phúc, vị lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, Thủ tướng đã yêu cầu, đương nhiên Tổ công tác và Vĩnh Phúc phải tiếp thu, nghiên cứu, thực hiện. Việc chuyển đổi rừng, Vĩnh Phúc khó động chạm, làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT từng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020 theo đúng Chỉ thị số 13 (12/1/2017) của Ban Bí thư, hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy Vĩnh Phúc báo cáo về bộ về việc chuyển đổi, liên quan đến việc xây “siêu” nghĩa trang trên. Thậm chí, trước đây, khi có chủ trương lấy đất rừng phòng hộ ở Tam Đảo, Bộ NN&PTNT cũng chưa nhận được văn bản nào của Vĩnh Phúc để tham khảo việc chuyển đổi trên.

Về vấn đề trên, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, nếu Vĩnh Phúc muốn chuyển rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, thì quyền quyết định của địa phương này. “Tuy nhiên, việc chuyển đổi đó đúng quy định hay không, cần làm rõ. Nên nhớ, nếu rừng ở đất dốc 30 độ trở lên vẫn phải là rừng phòng hộ, chứ không thể làm rừng sản xuất được”- GS Lung nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, khi chuyển đổi trên thuộc thẩm quyền của tỉnh, thông thường Sở TN&MT đứng ra chủ trì, mời các sở, ngành khác, chuyên gia của tỉnh đánh giá tác động môi trường. “Ở trong tỉnh, anh đánh giá phải biết ý chỉ đạo của ông chủ tịch tỉnh thế nào rồi. Do vậy, việc phải đánh giá phải công khai thì mới biết anh đánh giá đúng hay sai. Nếu việc chuyển đổi trên có nhiều bộ, ngành, chuyên gia khác đánh giá, sẽ khách quan hơn”- GS Lung phân tích.

Cũng theo GS Lung, sau khi thực hiện bước chuyển đổi trên, bước thứ hai chuyển từ rừng sản xuất sang mục đích khác, kể cả làm nghĩa trang. Tuy nhiên, bước này cũng phải đánh giá tác động môi trường và quá trình đánh giá đúng hay không, phải làm minh bạch, được giám sát chặt chẽ. (Tiền Phong 18/10, tr11; Tiền Phong Online 18/10)

Thu hồi trên 40.000ha rừng, đất rừng sử dụng sai mục đích

Đây là diện tích thuộc 88 dự án do các DN đang triển khai tại Tây Nguyên.

Nguyên nhân thu hồi là do phần lớn các DN triển khai chậm tiến độ, để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép, không thực hiện dự án, chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, thiếu vốn đầu tư, không thực hiện nghĩa vụ tài chính… Một số DN lợi dụng chủ trương để mua, bán, sang nhượng dự án trái pháp luật.

Tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép tại các dự án gần 8.293 ha, chiếm 26,2% diện tích giao cho các đơn vị. Trong đó, diện tích lấn chiếm trái phép sau khi có quyết định cho thuê đất là trên 7.225 ha. Mt số dự án bị lấn chiếm gần hết diện tích giao như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 59, Công ty TNHH Long Sơn, Kiến Trúc Mới, Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt…

Điển hình, UBND tỉnh Gia Lai đã xử lý trách nhiệm 4 chủ dự án đã phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật… với tổng diện tích trên 983 ha. Các đơn vị phải bồi thường thiệt hại về rừng, trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi dự án được giao cho Công ty Cổ phần Vinamit với 926 ha sau khi DN này để mất 741,6 ha rừng.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chuyển đổi rừng, đất rừng sang mục đích khác. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp trước đây sang trồng cao su và sản xuất nông, lâm nghiệp khác. Khi phát hiện có sai phạm kiên quyết thu hồi để chuyển trả về cho địa phương có kế hoạch trồng lại rừng.

Thường xuyên, liên tục tổ chức các đợt truy quét nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, nhất là tại các vùng trọng điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn. (Báo Chính Phủ Điện Tử  17/10; Nông Thôn Ngày Nay 18/10, tr10)

Quảng Nam: Tiết lộ nguyên nhân nguyên Giám đốc BQL rừng phòng hộ bị bắt khẩn cấp

Các bị can đã phối hợp với nhau lập khống chứng từ hòng chiếm đoạt nguồn kinh phí được giao để bảo vệ rừng. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định thiệt hại do hành vi của các bị can là gần 800 triệu đồng.

Chiều 17.10, Trung tá Phạm Trường Sơn – Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46), Công an tỉnh Quảng Nam thông tin trên báo Lao Động: Liên quan đến vụ bắt khẩn cấp nguyên Giám đốc BQL rừng phòng hộ sông Tranh, bị can Đoàn Tất Chẩn (hiện là Phó phòng Khoa học Thông tin – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam), cơ quan này còn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can khác đang công tác tại BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh.

Hai bị can bị bắt tạm giam tiếp theo là Trần Đồng – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật BQL rừng phòng hộ Sông Tranh và Nguyễn Thị Bích Nhung – Kế toán trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh (đóng tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Cả 3 bị can Chẩn, Đồng, Bích đều ngụ huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) bị khởi tố, bắt tạm giam để cùng điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.

Báo Tiền Phong cho biết, trong quá trình công tác tại BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh, Chẩn, Đồng và Nhung đã phối hợp với nhau lập khống chứng từ chiếm đoạt tiền từ nguồn kinh phí giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 2 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam). Hành vi của các bị can trên bước đầu CQĐT xác định gây thiệt hại gần 800 triệu đồng.

Trước đó, năm 2015, báo chí phản ánh tình trạng phá rừng phòng hộ nghiêm trọng trong lâm phần BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh (thuộc địa phận xã Trà Giác và Trà Bui, huyện Bắc Trà My). Vụ án phá rừng này sau đó đã được khởi tố nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Sau vụ việc, một số cán bộ bảo vệ rừng bị tạm đình chỉ công tác, riêng ông Đoàn Tất Chẩn bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức giám đốc và được điều chuyển đến nhận công tác tại phòng Khoa học Thông tin – Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam. (Doanhnghiepvn.vn 18/10; Giáo Dục & Thời Đại Online 17/10; VOVNews 17/10; Phapluatplus.vn 17/10; Viettimes.vn 17/10; Tài Nguyên & Môi Trường Online 17/10; Tiền Phong Online 17/10; News.zing.vn 17/10; Đại Đoàn Kết Online 17/10; Nguoitieudung.com.vn 17/10; Doisongvietnam.vn 17/10; Giao Thông Online 17/10; Công An Nhân Dân Online 17/10; Thanh Niên 18/10, tr4; Người Lao Động 18/10, tr2; Công An Nhân Dân 18/10, tr5; Tiền Phong 18/10, tr11; Nông Nghiệp Việt Nam 18/10, tr2; Đại Đoàn Kết 18/10, tr10; Lao Động 18/10, tr2)

Quảng Nam: “Đóng dấu mật” rừng lim quý

Khu rừng lim độc nhất vô nhị còn sót lại trên dãy Trường Sơn này nằm gọn trong địa phận xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Muốn vào được đây, người ta phải đi từ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam – bởi khu rừng được những ngọn núi đá dựng đứng và dòng sông Bung uốn lượn bao bọc.

Vượt hơn 80 km từ trung tâm huyện Nam Giang đến thôn Pà Đhí, xã Zuôih bằng xe máy, chúng tôi đến bờ sông Bung. Các cán bộ kiểm lâm Trạm Bảo vệ rừng lim Lăng – Zuôih đã đón sẵn. Trạm trưởng Nguyễn Thành Long, người có hàng chục năm bám rừng ở những khu vực được xem là “điểm nóng” của Quảng Nam, cùng 2 kiểm lâm viên giục chúng tôi nhanh chóng lên phà để kịp chuyến tuần tra.

Mùa này, thủy điện Sông Bung 4 xả nước phòng lũ về nên nước lòng hồ khá cạn. Sau khoảng 20 phút, chiếc phà tuần tra chậm rãi đưa chúng tôi vượt sông Bung đến đầu suối Lăng, nơi đặt lán trại của lực lượng bảo vệ rừng. Từ chốt điểm này, lực lượng kiểm lâm có thể kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy dẫn vào rừng lim.

Trạm Lăng – Zuôih khá đặc biệt, được thành lập với nhiệm vụ tối thượng là bảo vệ nguyên vẹn khu rừng lim quý hiếm và 13.000 ha rừng giáp ranh giữa 2 xã Zuôih – Lăng. Thực tế, khu rừng lim ở xã Lăng đã được phát hiện từ rất lâu nhưng lãnh đạo huyện Tây Giang cho “đóng dấu mật” – phương châm đặt ra là càng ít người biết càng tốt.

“Năm 2014, khi thủy điện Sông Bung 4 chuẩn bị tích nước, dự báo trước sau gì rừng lim cũng bị lâm tặc nhòm ngó nên huyện Tây Giang tiến hành khảo sát, đánh số cây và thành lập ngay trạm bảo vệ trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung” – anh Long cho biết.

Xác định nhiệm vụ được giao cực kỳ quan trọng, cán bộ, nhân viên trạm Lăng – Zuôih hầu như không ngày nào vắng mặt, kể cả dịp lễ, Tết. Biên chế chỉ có 9 người, mỗi kíp trực đã phải huy động 7 thành viên, kéo dài suốt 1 tuần. Sau mỗi kíp trực, 2 người được thay để lo việc giấy tờ, tiếp tế xăng dầu, thực phẩm.

“Luân phiên như thế, ngày này nối tháng khác, kiểm lâm viên ở đây thầm lặng bảo vệ rừng lim theo phương châm nội bất xuất, ngoại bất nhập. Anh em của trạm đa phần ở xa, mỗi lần về thăm nhà phải vượt hàng trăm cây số. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao” – anh Long bộc bạch.

Sau khi dùng vội bữa cơm trưa, chúng tôi bắt đầu ngược dòng suối Lăng tiến vào rừng lim. Dù được các kiểm lâm viên “làm công tác tư tưởng” từ trước nhưng hành trình theo đoàn tuần tra tiến vào rừng lim thật gian nan ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Hôm ấy, trời vừa mưa lớn khiến nước suối Lăng dâng đầy và chảy xiết. Có những đoạn nước sâu đến tận thắt lưng, kiểm lâm viên và chúng tôi phải đi theo hàng để hỗ trợ nhau vượt suối. Kiểm lâm viên Bùi Ngọc Thạch nhớ lại: “Những đợt tuần tra gặp mưa lớn, anh em phải ở lại trong rừng vài ngày là chuyện thường”.

Đúng 3 giờ vượt suối, luồn qua những cung đường mòn lau lách rậm rịt và hàng chục con dốc dựng đứng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu rừng lim quý hiếm. Trải qua chặng đường gian nan, có lúc ngỡ như không bước chân nổi nên khi đến đích, niềm vui của chúng tôi thật khó tả.

Cây lim đầu tiên chúng tôi chạm mặt nằm ở lưng chừng đồi, thẳng đứng, gốc to 4 người ôm không xuể. Đoạn đồi này lim mọc dày, hàng chục cây khổng lồ chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Hiếm hoi mới thấy một vài sợi nắng xuyên qua tán lá dày trên đầu.

Có thể dễ dàng nhận thấy khu rừng lim này còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ. Ngoài con đường tuần tra do các kiểm lâm viên mở, cả cánh rừng lim bạt ngàn này rất ít dấu vết của con người. Cảm giác đứng trong rừng lim hít thở không khí trong lành thật khoan khoái.

Theo trạm trưởng Long, những gốc lim chúng tôi gặp chưa phải là to nhất, càng tiến sâu vào sẽ thấy những gốc lim lớn hơn nhiều. Trong đợt kiểm đếm trước đây, lực lượng chức năng chỉ ghi nhận những cây lim có gốc từ 3 người ôm trở lên – khoảng 400 cây, còn nhỏ hơn thì tính không xuể. Đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu để xác dịnh lim cổ thụ ở khu rừng này có tuổi đời bao nhiêu năm.

“Có những cây lim tồn tại đã hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Lim là loại cây quý hiếm, thuộc nhóm 2A trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi cây lim ở đây ít nhất cũng được hơn 10 m3 gỗ. Hiện nay, gỗ lim có giá 20-30 triệu đồng/m3. Tính ra, mỗi cây lim có giá ít nhất 200 triệu đồng, rừng lim hàng trăm gốc này trị giá hàng triệu đô” – anh Long khẳng định.

Rừng lim giá trị là thế, lại nằm khá gần suối Lăng nên rất nguy hiểm. Nếu lực lượng kiểm lâm lơ là thì chỉ trong vòng 1 tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả rừng lim rồi dựa theo dòng nước đưa gỗ về xuôi.

Trưởng trạm Lăng – Zuôih tâm sự: “Chỉ cần phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn – dấu tích sự hiện diện của con người – trong cánh rừng này là anh em phải căng mình rà soát. Chỉ đến khi biết chắc đó chỉ là người địa phương đi bứt mây, hái nấm hoặc đánh bắt cá thì căng thẳng mới giảm đi phần nào. Đã có nhiều đối tượng xấu đến tìm cách mua chuộc để phá rừng lim nhưng chúng tôi nhất quyết không tiếp tay, thế là bọn xấu trở mặt đe dọa. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo tỉnh, huyện là không bao giờ để mất cây lim nào. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ từ năm 2014, chúng tôi chưa bao giờ để mất một cây rừng”. (Người Lao Động 18/10, tr8; Người Lao Động Online 17/10)

Lâm Đồng: Hơn 150 cây thông hàng chục năm tuổi ở Đà Lạt bị đầu độc ra sao?

Ngày 17/10, UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đang chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra vụ khoan lỗ đổ hóa chất hủy hoại rừng thông 30 năm tuổi tại lô a2, khoảnh 11, tiểu khu 160B, lâm phần do Ban Quản lý rừng Lâm Viên (Đà Lạt) quản lý bảo vệ.

Quá trình tuần tra, Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Ban Lâm nghiệp xã Tà Nung phát hiện 151 cây thông ba lá tại tiểu khu 160B bị khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ vào. Các cây thông này có đường kính gốc từ 12-60cm, cao từ 12-16m.

Hầu hết các cây thông này đều có biểu hiện chết khô, lá héo úa, gốc cây chảy nhiều nhựa trắng…không còn cứu vãn được nữa.

Cánh rừng bị đầu độc rộng hơn 8.500m2 nằm ven tỉnh lộ 725, cách trụ sở UBND xã Tà Nung khoảng 1km.

Hơn 150 cây thông hàng chục năm tuổi ở Đà Lạt bị đầu độc ra sao? – ảnh 2

Lực lượng chức năng phát hiện tại hiện trường có một vỏ chai thuốc diệt cỏ hiệu Damin 500SL dung tích 450ml đã sử dụng hết và 1 điện thoại di động hiệu NOKIA màu đen.

Lần theo dấu vết trên, cơ quan chức năng đã triệu tập 3 người để xác minh, điều tra vụ việc.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt đang đề nghị Công an thành phố phối hợp mở rộng điều tra, xác định thủ phạm vụ đầu độc rừng thông nghiêm trọng này. (Tiền Phong 18/10, tr11; Tiền Phong Online 17/10; Thanh Niên Online 17/10; Tuổi Trẻ 18/10, tr4)

Ngăn chặn phá rừng là làm nhiệm vụ hàng đầu ở BìnhĐịnh

Tại hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2017, các chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên…

Tại Hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XIX được tổ chức ngày 17/10, ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nhấn mạnh cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng; tập trung chỉ đạo xử lý kiên quyết các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ hủy hoại rừng gần đây.

Tại hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2017, các chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,29% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Tỉ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 27,3%; công nghiệp và xây dựng chiếm 30,7%; dịch vụ chiếm 37,5%. Các hoạt động văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng – an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được là nhiều hạn chế còn tồn tại. Đáng quan ngại nhất là công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đứng mức. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 8 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại 23,2 ha; 66 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, thiệt hại 38,8 ha; 45 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 97,3 ha… (Nông Nghiệp Việt Nam Online 17/10)

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên “vàng xanh” của đất nước

Rừng được xem là tài nguyên vô giá, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển bền vững của mỗi quốc gia, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, chống lại biến đổi khí hậu cũng như giảm các thiệt hại từ thiên tai. Thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn nhiều bất cập trong việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên “vàng xanh” của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống người dân các địa phương có rừng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững như: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng chục nghị quyết, nghị định, quyết định về các chủ trương, chính sách trong lâm nghiệp, nhất là các giải pháp phát triển rừng.

Thống kê toàn quốc năm 2016, tổng diện tích rừng là 14.377.682ha, tăng 315.828ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho các chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách. Về tổng quát, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực hóa, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Cùng với các địa phương, bộ, ngành, các đơn vị quân đội đã tích cực tham gia bảo vệ, quản lý và phát triển rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng của cả nước cũng như giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do các đơn vị quân đội thực hiện đã tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động là nhân dân vùng sâu, vùng xa; góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, việc tạo dải rừng bằng những cây lâu năm có giá trị kinh tế cao dọc biên giới còn chính là lá chắn bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quân đội quản lý và thực hiện các dự án bảo vệ rừng chủ yếu nằm trên địa bàn đóng quân ở vùng sâu, vùng xa dọc tuyến biên giới, hải đảo… Vì vậy, quân đội tham gia thực hiện dự án trồng rừng theo chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng của Nhà nước là việc làm rất có ý nghĩa và đạt hiệu quả cao. Các đơn vị quân đội đến nay đã trồng mới, chăm sóc hơn 40.400ha rừng; bảo vệ 355.504 lượt héc-ta; khoanh nuôi tái sinh hơn 30.535ha.

Dẫu đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình chặt phá rừng tự nhiên thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số vụ phá rừng có tính nghiêm trọng ở các tỉnh: Quảng Nam, Bình Định, Nghệ An… Tây Nguyên hiện vẫn là điểm nóng về vi phạm các quy định của Nhà nước trong bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích rừng ởTây Nguyên tiếp tục giảm. Năm 2016, toàn vùng còn hơn 2,55 triệu héc-ta rừng, giảm hơn 3.170ha so với năm 2015. Trong 9 tháng qua, diện tích rừng bị thiệt hại tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 53,7% tổng số diện tích rừng bị thiệt hại trên cả nước. Tại Điện Biên, 9 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 229 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật với diện tích rừng bị phá là 195,6ha. Tại tỉnh Nghệ An, tình trạng một số hộ dân lén lút phá rừng để trồng rừng nguyên liệu vẫn xảy ra, trong khi các chính sách hỗ trợ cho người dân để thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ rừng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Các chính sách hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng được ban hành nhưng còn chồng chéo dẫn đến việc triển khai tại địa phương còn nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế.

Một trong những lý do được đa số các địa phương đưa ra lý giải về những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, phát triển rừng là lực lượng kiểm lâm mỏng, thiếu nguồn lực thực hiện… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, các lực lượng chức năng khó quản lý hết được địa bàn rộng lớn và địa hình phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ và phát triển rừng bền vững thì trước hết phải phá bỏ tâm lý “rừng là của Nhà nước”, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” mà cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, từ cộng đồng tham gia.

Để khắc phục triệt để tình trạng chặt phá, nâng cao diện tích, chất lượng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự…, nhất là khu vực biên giới, ngoài tạo điều kiện cho người dân an cư thì giải pháp thiết thực được nhiều địa phương đưa ra là giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu từ việc nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, việc trồng rừng nên giao quyền chủ động cho địa phương triển khai theo đặc thù của mỗi tỉnh, còn các bộ chỉ nên quản lý theo hiệu quả đầu tư. UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ cho phép đưa diện tích đất có cây tái sinh ở trạng thái 1C vào hưởng dịch vụ môi trường rừng để khoanh nuôi, bảo vệ sau 3-5 năm sẽ thành rừng, đây là phương án rất có hiệu quả mà Lai Châu đang thực hiện. Bên cạnh đó, cho phép tỉnh thực hiện thí điểm sáp nhập các Ban quản lý rừng phòng hộ với hạt kiểm lâm để thu gọn đầu mối, tăng hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiến nghị, Chính phủ cho phép trồng rừng ngập mặn khu vực ven biển thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhằm thúc đẩy nhanh hơn việc phát triển rừng ven biển (theo quy định trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt không được tác động, trồng rừng). Mặt khác, cho phép Cà Mau thực hiện thí điểm mô hình luân canh trồng chuối trên rừng tràm: Đất rừng sau khi khai thác, sẽ trồng chuối trong 24 tháng và khi thu hoạch xong sẽ trồng lại rừng (theo quy định sau khi khai thác phải trồng lại rừng trong vòng 12 tháng).

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, sự thực hiện nghiêm túc của chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu, tỷ lệ che phủ rừng đã tăng từ 41,7% năm 2011 lên 46,8% năm 2016. Mỗi năm, Lai Châu nâng độ che phủ rừng tăng 1%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (0,35% năm 2016). Để đạt được kết quả quan trọng này, theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, sau khi được giao đất, các Ban quản lý rừng phòng hộ đã thực hiện hợp đồng khoán trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản để quản lý. Đến nay, 100% diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đã được khoán cho các hộ gia đình và cộng đồng để quản lý, được hưởng chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Việc giao khoán đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ, bảo đảm tính pháp lý, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các bên. Các thôn, bản được giao khoán bảo vệ rừng đã xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, thành lập 1.010 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích rừng của thôn, bản được giao quản lý, phân công ứng trực 24/24 giờ…

Như vậy, việc nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng độ che phủ và quản lý, phát triển rừng hiệu quả. (Quân Đội Nhân Dân 18/10, tr1+4; Quân Đội Nhân Dân Online 17/10)

Khởi tố đối tượng bán rừng thông đặc dụng ở Huế

Chiều 17/10, Cơ quan CSĐT Công an TP. Huế cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Tý (54 tuổi, trú phường An Tây, TP. Huế) về tội “hủy hoại rừng”.

 Cơ quan CSĐT TP. Huế cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Võ Văn Tý.

Theo cơ quan Công an, vào cuối tháng 7/2017, qua giới thiệu của người dân về việc ông Võ Văn Tý cần bán rừng keo ở phía sau nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn (khu vực 5, phường An Tây, TP. Huế). Ông Trần Quang Thành (41 tuổi, trú phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) đã liên hệ với ông Tý để mua. Ông Tý đồng ý bán số gỗ keo tại diện tích trên cho ông Thành 15 triệu đồng.

Khi khai thác xong số gỗ keo, ông Thành hỏi ông Tý còn diện tích rừng nào nữa thì bán cho mình. Lúc này, ông Tý chỉ rừng thông cạnh đó và nói ông Thành cứ yên tâm đốn hạ và vận chuyển, nếu ai hỏi thì cứ nói “mua của ông Tý Tứ Tây”. Tin lời ông Tý, ông Thành đồng ý mua số gỗ thông trên với giá 20 triệu đồng. Số gỗ thông này ông Thành cho thợ cưa từng khúc dài 2m và chở đi bán ở địa bàn TX. Hương Thủy.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, UBND phường An Tây đã có đơn gửi lên Công an TP. Huế. Vào cuộc điều tra, cơ quan Công an đã thu giữ 153 khúc gỗ thông và 68 tấm gỗ đã cưa xẻ. Đồng thời, trưng cầu Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Trung Trung bộ để tiến hành xác định diện tích, thời điểm, loại rừng, số lượng cây bị chặt và sản lượng gỗ bị chặt phá.

Cơ quan chức năng đã xác định diện tích rừng thông bị chặt phá trong khoảng thời gian 30/7- 14/8/2017, là loại rừng đặc dụng, diện tích bị phá gần 3.000m2. Hội đồng định giá tài sản xác định giá trị rừng thông bị chặt phá 252 cây với khối lượng 51m3, số tiền thiệt hại gần 90 triệu đồng.

Tại cơ quan Công an, Võ Văn Tý đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Còn đối với ông Trần Quang Thành, hành vi “hủy hoại rừng” chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. (Giao Thông Online 17/10; Người Lao Động Online 17/10; Nguoiduatin.vn 17/10; Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 17/10; Antt.vn 17/10; Công An Nhân Dân Online 17/10)

Tập thể và 6 cá nhân thuộc Tổng cục Hải quan được tặng Huân chương Chiến công

Chủ tịch nước vừa ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạnh Nhất, Nhì, Ba cho 1 tập thể và 6 cá nhân thuộc Tổng cục Hải quan đã có chiến công xuất sắc trong công tác điều tra và tổ chức bắt giữ các vụ buộn lậu động vật hoang dã trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng trong năm 2015 và 2016.

Tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất gồm: Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu) và ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu.

Tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc.

Các cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba gồm: bà Lê Thị Phương Thúy, công chức; ông Bùi Trọng Thanh, công chức (nay là Phó Đội trưởng); ông Nguyễn Anh Tuấn, công chức đều thuộc Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc; ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu). (Hải Quan Online 17/10) Về đầu trang

Vụ bé trai cưỡi trăn ‘khủng’ ở Thanh Hóa: Xử phạt gia đình nuôi trăn 3 triệu đồng

Liên quan đến vụ bé trai cưỡi trăn “khủng” ở Thanh Hóa, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ nuôi trăn.

Trước đó, mạng xã hội đăng tải clip bé trai khoảng 3 tuổi cưỡi lên mình con trăn nặng hàng chục kg đang nằm trong sân ngập nước. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ.

Theo đó, đoàn kiểm tra xác định, gia đình ông Nguyễn Văn Cao có nuôi trăn trước đó. Thời điểm đoàn đến kiểm tra, con trăn bị ốm nên đã bán cho người khác. Gia đình cho biết, cháu bé cưỡi trăn là cháu ngoại gần nhà sang chơi.

Ngày 16/10, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Cao (47 tuổi), ở xã Hà Long vì vi phạm Khoản 1, Điều 23, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Ông Cao sau khi được giải thích đã chấp hành nộp phạt theo quy định của pháp luật. Hành vi của ông Cao bị xử phạt 3 triệu đồng. (Antt.vn 17/10; Infonet.vn 17/10; Baodansinh.vn 17/10; Khampha.vn 17/10; Thanh Niên Online 17/10; Giadinhphapluat.vn 17/10)

Tin Liên Quan