Sáng 28/11/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Điều tra Quy hoạch rừng long trọng tổ chức buổi Gặp mặt nhân kỷ niệm 59 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 – 28/11/2018). Tham dự buổi gặp mặt có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ của ngành lâm nghiệp; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số tổ chức, dự án quốc tế tại Việt Nam. Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tới dự và chia vui với toàn Ngành.
Ngày 28/11/1959, trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 30 tuổi, Chủ tịch tịch Hồ Chí Minh phát động trồng rừng trên cả nước. Trên báo Nhân dân Người nói: trồng cây, trồng rừng vừa không tốn kém, lại mang về lợi ích lâu dài cho đất nước. Ngày 28 tháng 6 năm 1995, theo đề nghị của Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 380/TTg lấy ngày 28 tháng 11 làm ngày truyền thống nhằm giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong toàn dân; tình cảm yêu ngành nghề, yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, công nhân viên và lao động lâm nghiệp; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển rừng với năng suất, chất lượng cao; sử dụng tài nguyên rừng hợp lý, tiết kiệm; Vận động, tổ chức các ngành, các đoàn thể, các giới có những hoạt động cụ thể, những công trình, những việc có ích để báo công dâng Bác; biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, địa phương và đơn vị tốt.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đã điểm lại những kết quả mà ngành đã đạt được trong thời gian qua và một số giải pháp, định hướng trong thời gian tới. Cụ thể, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã khẳng định Lâm nghiệp là ngành kinh tế – kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,65% năm 2018; công tác bảo vệ rừng tiếp tục có chuyển biến tích cực theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2017) và diện tích rừng bị thiệt hại (giảm 42% so với cùng kỳ năm 2017). Công tác trồng rừng tiếp tục được các địa phương thực hiện với kết quả năm 2018 đã trồng trên 202 nghìn ha (chủ yếu là rừng sản xuất), góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 20 triệu m 3 gỗ/năm. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay, trong 11 tháng, cả nước đã thu được 2.818 tỷ đồng, đạt 121 % kế hoạch và 170% so với cùng kỳ. Ước thực hiện đến hết năm đạt 2.730 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành, góp phần bảo vệ xấp xỉ 6 triệu ha rừng. Đặc biệt là chúng ta đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới và số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam. Trong 10 năm qua giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã tăng xấp xỉ 4 lần, đạt mức kỷ lục hơn 8 tỷ USD vào năm 2017. Trong 11 tháng năm 2018 ước đạt 8,49 tỷ USD, ước cả năm đạt khoảng 9,3 tỷ USD, tăng 15% so với 2017. Kết quả này đã vượt mục tiêu của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trở thành một trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành nông lâm thủy sản.
Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn đánh giá năm 2018 tiếp tục là một năm mà ngành lâm nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả toàn diện và vượt mức kế hoạch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng khẳng định chúng ta không bằng lòng ngủ quên, Ngành còn nhiều dư địa để phát triển, đòi hỏi của xã hội ngày càng lớn, áp lực cho những người làm lâm nghiệp cũng tăng cao. Trong thời gian tới đây, Thứ trưởng đề nghị toàn ngành phát huy truyền thống để thực hiện thành công vượt mức Chiến lược phát triển Lâm nghiệp đề ra.
Tại buổi Gặp mặt, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển đã thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động đợt thi đua đặc biệt phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 -2020”.
Cũng tại buổi Gặp mặt, 03 đơn vị gồm: Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã vinh dự đón nhận nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 02 tập thể và 07 cá nhân trong các lĩnh vực của ngành Lâm nghiệp cũng đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp