Ngày 8-8, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị “Ðịnh hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành liên quan, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (VIFORES) và lãnh đạo của 5 hội và hiệp hội gỗ trên toàn quốc, các doanh nghiệp chế biến lâm sản trong nước và xuất khẩu, Hiệp hội gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC). Tham dự hội nghị còn có đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, đại sứ các nước, đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư và lĩnh vực lâm sản xuất khẩu và các cơ quan báo đài từ trung ương đến địa phương.
Các tham luận của hội nghị tập trung vào đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, thách thức của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Qua đó, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp.
Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài tham luận của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – Tổng thư ký Câu lạc bộ Lâm nghiệp Việt Nam.
Tiêu đề: “Phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ – Giải pháp và kiến nghị”
Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
Kính thưa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng,
Kính thưa ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT,
Kính thưa ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh,
Thưa quý bà, quý ông.
Trước hết, cho phép tôi được thay mặt Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN và cộng đồng doanh nghiệp chế biến và thương mại gỗ Việt Nam trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã có sáng kiến tổ chức sự kiện quan trọng này và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể gặp gỡ và chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương về định hướng và giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của nước ta.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Trong báo cáo vừa trình bày tại Hội nghị này, Bộ trường Nguyễn Xuân Cường đã cho chúng ta thấy bức tranh tổng quan của ngành công nghiệp chế biến gỗ và thực trạng xuất – nhập khẩu lâm sản của nước ta. Tôi cũng đã đọc kỹ báo cáo của Bộ Công – Thương và các tham luận của các đồng nghiệp từ HAWA, BIFA, đại diện doanh nhân ngành gỗ ở các vùng miền của đất nước và từ một số địa phương do chuẩn bị cho Hội nghị này. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã chuẩn bị tham luận 13 trang về Phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ – Giải pháp và kiến nghị. Đây là chủ đề xuyên suốt, được đề cập, ở mức độ khác nhau, trong tất cả các báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị này. Vì thời gian có hạn và để tránh sự trùng lặp, tôi xin phép chỉ nói về những gì mà tôi cho là chưa được đề cập, hoặc vì lý do nào đó, chưa được nhấn mạnh ở mức độ cần thiết xung quanh chủ đề cung cấp nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của nước ta đã có bước phát triển bứt phá trong vòng 2 thập kỷ vừa qua. Nhờ có sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, nhờ môi trường đầu tư được cải thiện nhiều, nhờ có đội ngũ doanh nhân có ý chí khởi nghiệp mạnh mẽ và biết nắm bắt thời cuộc, và nhờ có lực lượng lao động cần cù, chăm chỉ, khéo tay trong giai đoạn dân số vàng, VN đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ 5 trên thế giới và thứ 2 ở Châu Á. Tôi nhớ, cách đây chưa lâu, khi cố Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn nói về mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu lâm sản, nhiều người còn cho là duy ý chí, là viển vông.
Không ai có thể phủ nhận sự phát triển khá bền vững, với tốc độ tăng trưởng trên 13%/năm, gần như liên tục trong suốt 20 năm qua của công nghiệp CBG VN. Tuy nhiên, đến nay, dường như ngành công nghiệp CBG của chúng ta đã tiệm cận một ngã ba đường, một lối rẽ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ tiếp tục phát triển theo hướng chú trọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nghĩa là tăng khối lượng, theo chiều rộng, dựa chủ yếu vào nhân công và nguyên liệu giá rẻ, hay là chuyển hướng tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, nghĩa là tăng giá trị được tạo ra trên một đơn vị nguyên liệu đầu vào, một ngày công lao động của người Việt và một đồng vốn đầu tư hướng nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị cao hơn?. Các nước gần chúng ta như Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và, gần đây, cả Trung Quốc, đã phải thu hẹp công nghiệp CBG vì giá nhân công tăng. Trong thế giới phẳng ngày nay, cả ở VN chúng ta, nhân công và nguyên liệu giá rẻ chắc sẽ không phải là lợi thế trong tương lai gần vì sự dịch chuyển sản xuất, vì thương mại tự do, vì sự cạnh tranh giữa các quốc gia và vì sự cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp trong cùng một quốc gia. Người lao động, doanh nghiệp và cả lãnh đạo Chính phủ… không ai mong muốn phát triển một ngành công nghiệp CBG, tập trung chủ yếu cho xuất khẩu, mà theo đó người lao động của chúng ta chỉ thu nhập bình quân ở mức 250 USD/tháng/người như hiện nay. Tăng trưởng bền vững bằng tăng năng suất làm cho người lao động có thu nhập cao hơn, doanh nghiệp thu lợi nhuận túy nhiều hơn và đóng góp của ngành cho ngân sách cũng nhiều hơn là điều chúng ta mong muốn. Mong muốn này đòi hỏi chúng ta phải tái cấu trúc ngành, kể cả tái cấu trúc việc cung ứng nguyên liệu.
Xuất khẩu dăm gỗ để làm bột giấy là một minh chứng về sự cần thiết phải chuyển dịch và tái cấu trúc ngành gỗ. Hiện nay, dăm gỗ là mặt hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu nhất, chiếm khoảng một nửa lượng nguyên liệu ngành gỗ VN sử dụng. Trước năm 2010, mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu trên dưới 3 triệu tấn dăm. Từ năm 2014 đến nay, do nguồn nguyên liệu gỗ nhỏ từ rừng trồng cây keo tăng mạnh và do giá xuất khẩu dăm tăng, chúng ta đang xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn dăm khô mỗi năm và trở thành nhà xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu trong khu vực và thế giới, với trên 60% xuất khẩu sang Trung Quốc và phần còn lại sang Nhật Bản, Hàn Quốc và vài nước khác. Để xuất khẩu được 8 triệu tấn dăm gỗ, chúng ta phải sử dụng khoảng 16 triệu m3 gỗ và với giá xuất khẩu như hiện nay, 121 USD/tấn qua Trung Quốc và 124 USD/tấn qua Nhật Bản, chúng ta cũng chỉ thu được trên dưới 1 tỷ USD. Với giá đầu ra như vậy, doanh nghiệp dăm gỗ, dù có yêu quý nông dân đến mấy, cũng chỉ thu mua gỗ keo với giá 1 – 1,2 triệu/tấn gỗ, tùy vào kích thước to nhỏ, gỗ non già. Sau khi nộp thuế xuất khẩu 2%, doanh nghiệp dăm cũng chỉ còn 1 – 2% lãi. Trong khi đó, trong năm 2017, với mặt hàng ghế ngồi, chỉ sử dụng trên 3,2 triệu m3 gỗ nguyên liệu, nghĩa là chỉ cần 1/5 lượng gỗ băm dăm, chúng ta đã xuất khẩu được gần 1,2 triệu USD. Dĩ nhiên, gỗ nguyên liệu băm dăm khác với gỗ làm ghế và không phải ai cũng làm được ghế xuất khẩu. Chúng ta không phủ nhận vai trò tạo động lực cho nông dân trồng rừng và có thu nhập ngắn ngày của công nghiệp dăm gỗ và nếu không có công nghiệp dăm gỗ đi trước thì chúng ta đã không thể có gần 3 triệu ha rừng trồng sản xuất như hiện nay. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có chấp nhận tiếp tục làm nhà cung cấp dăm giá rẻ nuôi sống công nghiệp giấy của nhiều nước hay không, liệu chúng ta có tiếp tục chấp nhận một nền lâm nghiệp trồng rừng với chu kỳ trồng – chặt 5-6 năm, thậm chí 4-5 năm hay không. Chuyên gia nước ngoài nhận xét Việt nam đang làm “cropping” – làm “trồng trọt”, chứ không phải làm lâm nghiệp. Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu nguyên liệu giấy không tăng, thậm chí giảm, nếu chúng ta xuất khẩu nhiều dăm gỗ thì chúng ta cũng tự làm khó mình. Tôi biết Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ở cương vị trọng trách của mình, đã chịu rất nhiều áp lực khi đề xuất Chính phủ áp thuế xuất khẩu dăm gỗ 2%. Vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển bền vững của công nghiệp gỗ Việt nam, các doanh nghiệp dăm gỗ đã chia sẻ quyết định này của Chính phủ. Nhìn tổng thể, khối lượng nguyên liệu và kim ngạch xuất khẩu tăng tương đương ở mức gần 12%, nghĩa là chúng ta đang phát triển công nghiệp gỗ bằng gia tăng đầu vào, theo chiều rộng, chứ không phải theo chiều sâu, bằng khoa học công nghệ, bằng mẫu mã và thương hiệu, bằng tay nghề tạo ra sự khác biệt của sản phẩm và bằng kết nối trực tiếp với thị trường. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phái tái cấu trúc cả đầu vào và đầu ra của ngành công nghiệp gỗ, bao gồm cả việc cung cấp nguyên liệu gỗ trong dài hạn.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Về cung ứng nguyên liệu gỗ, trong năm 2017, để xuất khẩu được gần 8 tỷ USD gỗ và lâm sản khác, chúng ta đã sử dụng gần 32 triệu m3 gỗ quy tròn, trong đó gỗ từ nguồn cung trong nước là 24 triệu, phần còn lại là nhập khẩu.
Đối với nguồn cung trong nước, trước hết chúng ta phải có quy hoạch vùng nguyên liệu dài hạn. Hiện chúng ta đang có 2,9 triệu ha rừng trồng là rừng sản xuất (trên 90% trồng keo). Nước ta đất chật, người đông, không thể và cũng không nên mở rộng thêm diện tích trồng keo. Lựa chọn duy nhất của chúng ta chỉ có thể là tăng năng suất rừng keo để tăng sản lượng gỗ. Hiện năng suất rừng trồng keo của chúng ta mới ở mức 10 – 15 m3/ha/năm, trong khi các nước đã đạt năng suất bình quân 15 – 20 m3/ha/năm, thậm chí 25 m3/năm. Giải pháp ở đây không có gì mới mẻ – sử dụng giống cây trồng tốt hơn và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng keo. Đây là lĩnh vực mà Chính phủ có thể can thiệp, hỗ trợ nông dân nhằm đạt lợi ích kép, lợi ích nhiều mặt, tạo ra tình thế “win-win”, các bên cùng thắng, nghĩa là tăng nguồn cung nguyên liệu, trong khi không phải tăng diện tích, tăng nguyên liệu gỗ lớn cho chế biến và xuất khẩu đồ mộc, gỗ nhỏ cho công nghiệp dăm, sinh khối tận dụng cho xuất khẩu viên nén gỗ thay thế năng lượng hạt nhân và năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Tôi muốn nói thêm rằng năm ngoái chúng ta xuất khẩu được 1,5 triệu tấn viên nén làm chất đốt, với giá 103 USD/tấn. Năm nay, với giá viên nén gỗ tăng lên 146 USD/tấn, dự kiến chúng ta có thể xuất khẩu được 2 triệu tấn viên nén bột gỗ woodpellet. Cùng với phế thải từ thanh lý rừng cao su và thu gom phế thải mùn cưa, dăm bào từ các nhà máy chế biến gỗ, nếu tăng được sinh khối rừng trồng keo, chúng ta có thể xuất khẩu 4 – 5 triệu tấn woodpellet trong tương lai và có thêm một nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu mặt hàng “thời thượng” này.
Kính thưa thủ tướng, thưa quý vị.
Nhân hội nghị này, liên quan đến vấn đề cung cấp nguyên liệu từ nguồn cung trong nước, tôi cũng mạnh dạn chia sẻ với Thủ tướng những suy nghĩ của mình và của nhiều doanh nghiệp về tuyên bố đóng cửa rừng được Thủ tướng thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2016 tại Hội nghị Lâm nghiệp được tổ chức ở Đắc Lắc. Đây là quyết định đúng đắn, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ và nhìn nhận như là một giải pháp tình thế. Nước ta có gần 11 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có trên 4 triệu ha được quy hoạch là rừng sản xuất, hầu hết là rừng thứ sinh nghèo, thậm chí là nghèo kiệt. Diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất này coi như bị bỏ hoang hóa, rất lãng phí và rất khó quản lý, ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng thì rất hạn hẹp. Vậy thì tại sao chúng ta lại không có cơ chế huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân cho quản lý bền vững phần tài nguyên, tài sản và cũng là tư liệu sản xuất quý giá này. Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua có điều khoản quy định về cho thuê rừng và môi trường rừng để kinh doanh lâm sản và dịch vụ sinh thái rừng. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ mạnh dạn thí điểm giao một phần diện tích rừng tự nhiên này cho các doanh nghiệp tư nhân quản lý theo hình thức “đặc nhượng” rừng, như cách Indonesia, Malaysia và nhiều nước đang phát triển khác đã làm và đã có những thành công. Chúng ta có thể xem xét cho người nước ngoài thuê đất lâu dài, thì tại sao lại không dám cho phép doanh nhân Việt Nam thuê rừng tự nhiên, được quy hoạch cho mục tiêu sản xuất gỗ, một cách lâu dài để phát huy chức năng sản xuất lâm sản của loại rừng này. Nếu thành công theo hướng này và nếu mỗi năm chỉ cần khai thác 1 m3 gỗ từ mỗi ha rừng này, thì cả nước sẽ có 4 triệu m3 gỗ, đáp ứng nhu cầu ưa chuộng đồ gỗ từ rừng tự nhiên của thị trường nội địa và một phần cho chế biến xuất khẩu sang các thị trường Châu Á. Trên lý thuyết, rừng nhiệt đới, cho dù là rừng nghèo, vẫn có thể cho tăng trưởng trên 2 m3 gỗ trên mỗi ha mỗi năm, nếu được điều chế bài bản.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Ngoài nguồn cung trong nước, năm 2017, chúng ta đã chi phí gần 2,2 tỷ USD để nhập khẩu 8 triệu m3 gỗ quy tròn, từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trên thế giới hiện tồn tại một nghịch lý – Các nước có nhiều tài nguyên rừng, có nguồn nguyên liệu dồi dào, như Liên bang Nga, Canada, New Zealand, và hiện nay là cả Mỹ và Nhật Bản, lại thường không phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Trên phạm vi toàn cầu, ngoại trừ các loài gỗ quý hiếm thường chỉ có ở rừng nhiệt đới, về cơ bản cầu gỗ không vượt cung và gỗ là nguyên liệu có khả năng tái sinh. Mấy năm vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã phải hỗ trợ kinh phí để Hiệp hội gỗ Nhật mở trung tâm tiếp thị gỗ Nhật tại TP HCM, với hy vọng có thể xuất khẩu được gỗ Nhật vào thị trường Việt Nam. Chính phủ Mỹ hàng năm cũng đầu tư nhiều triệu USD cho Hiệp hội gỗ cứng và Hiệp hội gỗ mềm của Hoa Kỳ tiếp thị gỗ Mỹ. Với sự hiện diện của ông John Chan, Tổng đại diện Hiệp hội gỗ cứng Hoa Kỳ vùng Đông Nam Á và Trung Hoa đại lục, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam không chỉ xuất khẩu nhiều đồ gỗ sang Mỹ mà còn là nước tiêu thụ gỗ Mỹ lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 253 triệu USD gỗ Mỹ. Năm nay, ước tính chúng ta sẽ nhập khẩu khoảng 300 triệu USD, các loài gỗ sồi, tần bì, óc chó, tulip, anh đào… từ Mỹ.
Nhìn chung, chúng ta không cần phải quá lo lắng về sự thiếu hụt nguyên liệu gỗ, mặc dù, tùy thời điểm, giá gỗ nhập khẩu có thể cao thấp theo thời vụ và theo chủng loài gỗ. Và vì vậy, cung ứng nguyên liệu gỗ bền vững không đồng nghĩa với việc phát triển rừng trồng trong nước để tự túc gỗ nguyên liệu bằng mọi giá. Chỉ có điều chúng ta phải thiết lập quan hệ đối tác tốt đẹp với các nhà cung ứng gỗ ở các nước xuất khẩu và phải tổ chức lại hệ thống nhập khẩu của chúng ta để tăng khả năng mặc cả, chứ không phải duy trì tới gần 2.500 đầu mối nhập khẩu gỗ như hiện nay.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Với vị thế là trung tâm sản xuất đồ gỗ hàng đầu của thế giới và với mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với việc quản lý bền vững tài nguyên rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và thương mại lâm sản của Việt Nam đã có độ mở rất cao và rất dễ bị tổn thương. Các thị trường lớn của chúng ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc … đều đã ban hành các đạo luật nghiêm cấm việc buôn bán đồ gỗ được sản xuất từ nguyên liệu khai thác bất hợp pháp. Đối với gỗ khai thác trong nước, ngoài chứng chỉ rừng FSC, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam với các bộ tiêu chuẩn và tiêu chí được quốc tế thừa nhận. Đối với gỗ nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia có độ rủi ro cao, chúng ta cần sớm xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp như đã cam kết với EU. Nhờ nỗ lực của hai chính phủ, trong hai năm gần đây chúng ta đã gần như loại bỏ hoàn toàn buôn bán gỗ trái phép qua biên giới Việt – Lào. Đối với gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ hai nước có biện pháp tức thời và hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch của thương mại gỗ qua biên giới, tránh những phiền toái cho cả hai quốc gia.
Kính thưa Thủ tướng, thưa quý vị,
Ngoài chiến lược cung ứng nguyên liệu bền vững cho công nghiệp gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến năng lực tiếp thị, ở tầm quốc gia, của ngành gỗ nước ta. Hội chợ đồ gỗ xuất khẩu VIFA-EXPO được tổ chức trong tháng 3 hàng năm tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Quận 7, TP HCM, đã và đang thu hút sự quan tâm của khách hàng đồ gỗ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ VIFA-EXPO không là quá ít. Tại Hội nghị này, chúng tôi xin bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của Hiệp hội gỗ Bình Dương về việc xây dựng Trung tâm quảng cáo và tiếp thị đồ gỗ Việt Nam ở Bình Dương, là tỉnh chia sẻ trên 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước và liền kề với Đồng Nai là tỉnh sản xuất gần 25% đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng và quý vị đã lắng nghe ý kiến tham luận của tôi.