Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái Xứ Thanh

Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên (sông núi-khe suối, hang động, rừng già nguyên sinh, cảnh quan hùng vĩ, cây cổ thụ ngàn năm, hoa lá bốn mùa) khai thác tiềm năng và giá trị của thiên nhiên gắn với bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng bản địa nhằm đáp ứng thoả mãn nhu cầu đời sống vật chất và văn hoá ngày càng tăng, góp phần hướng con người đến cuộc sống văn minh (Chân-Thiện-Mỹ…), biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Theo quan niệm nhân văn của Hiệp hội Du lịch Sinh thái thì, “du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên, bảo tồn môi trường sống  và cải thiện phúc lợi cho người dân ở các vùng sinh thái, các khu bảo tồn thiên nhiên, hình thành mối quan hệ thân thiện giữa thiên nhiên với con người”. Nhưng năm gần đây, du lịch sinh thái ở tỉnh ta đang ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài nước.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng thiên nhiên về danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn khách trong và ngoài nước đến thăm quan du lịch sinh thái. Hệ sinh thái rừng đặc dụng của toàn tỉnh hiện có 81.357 ha, gồm 1 Vườn Quốc gia (Bến En-Như Xuân), 3 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu-Quan Hoá, Pù Luông-Bá Thước, Xuân Liên-Thường Xuân); 1 Khu Bảo tồn loài đặc sản quý (Sến Tam Quy-Hà Trung); 4 Khu di tích Văn hóa-Lịch sử (Lam Kinh, Sầm, sơn, Hàm Rồng, Bà Triệu) là những địa danh có nhiều yếu tố hấp dẫn khách du lịch  thập phương.

Khu vực Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước), bản Đục-Vịn (Bát Mọt, huyện Thường Xuân) có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém ở Sa Pa, Tam Đảo; hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên… với thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Thác Hòn Yến, thác Bảy tầng (Thường Xuân), thác bản Hiêu (Bá Thước)… đã và đang được khai thác; hệ thống hang động Hang Cáu, hang Dơi (Thường Xuân), hang Ngọc, hang Suối Tiên (Như Thanh), hang Ma, hang Co Phày, hang Co Luồng (Quan Hóa), hồ Bến En, Xuân Liên… là những điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái.

Các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn gần các bản làng người Thái, Mường, Mông, Thổ còn lưu giữ những nét văn hoá bản địa, có thể mang lại những sản phẩm du lịch độc đáo như các làn điệu dân ca, dân vũ (như múa sạp, múa cây Bông, thổi khèn,…), các đồ thủ công mỹ nghệ, các món ăn dân tộc, sinh hoạt tinh thần và lao động sản xuất đặc trưng…

Rừng nguyên sinh ở Khu BTTN Xuân Liên (Thường Xuân)

Bên cạnh các điểm du lịch sinh thái thuộc hệ thống các khu bảo tồn, Vườn Quốc gia, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá còn nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như Suối Cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Hang Bo Cúng (Quan Sơn), động Từ Thức (Nga Sơn); khu di tích An Tiêm (Triệu Sơn); dòng Sông Mã, sông Chu và hệ thống các khe suối của 2 con sông này chảy len lỏi qua các bản Mường, Thái về xuôi ra cửa biển với những bãi bồi xanh ngát lúa ngô, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp làm mê hồn du khách.

Di tích núi đá đỏ cung cấp vật liệu xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái nhằm giải quyết việc làm tăng thu nhập đời sống đang là mối quan tâm của các cấp uỷ và chính quyền, đặc biệt là những địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái. Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ), Quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Pù Luông, giai đoạn 2008-2015,Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En, giai đoạn 2008-2020, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giai đoạn 2010 – 2020, Quy hoạch xây dựng phát triển du lịch sinh thái vùng huyện Quan Sơn, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phát triển du lịch trên phạm vi rộng và bước đầu đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và một số hộ dân ở các địa phương đã giàu lên nhờ làm du lịch sinh thái, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; các lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy được thuần phong mỹ tục; mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và nước ngoài.

Thác Hòn Yến tại Thường Xuân

Tuy nhiên, công tác phát triển du lịch sinh thái của Thanh Hóa đến nay có nhiều tiềm năng còn bỏ ngõ, chưa tương xứng với lợi thế sẵn có của địa phương. Công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị chưa đáp ứng yêu cầu, chưa lan rộng ra thị trường du lịch trong và ngoài nước; lao động dịch vụ du lịch sinh thái thiếu tính chuyên nghiệp, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vùng phụ cận nơi có dân cư sinh sống; cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch sinh thái còn quá yếu và thiếu, nhất là đường giao thông còn rất khó khăn (đặc biệt là các dịch vụ như lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước…đều rất thiếu và yếu); việc tiến hành nghiên cứu, khảo sát nhằm tìm ra những sản phẩm đặc thù du lịch của từng khu, điểm du lịch chưa được tổ chức, đầu tư, do vậy chưa có đủ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá cho du khách; chưa kết nối được các tour du lịch với nhau…

Khách du lịch sinh thái nước ngoài đến Thanh Hoá ngày càng tăng

Để tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trở thành nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập và phát triển, trước mắt cần hoàn thành quy hoạch tổng thể về  phát triển du lịch sinh thái của toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc hình thành các tua du lịch liên hoàn và khép kín trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch sinh thái trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức phong phú khác nhau. Nên mở các lễ hội truyền thống, tranh thủ các sự kiện quốc gia, quốc tế tổ chức trong nước để giới thiệu quảng bá rộng rãi về du lịch sinh thái Thanh Hóa. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch sinh thái, trước hết là cán bộ, nhân viên hoạt động công tác du lịch, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ du lịch (đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch).Tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch.Khuyến khích các thành phần tham gia kinh doanh có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch. Trên cơ sở các quy định rõ ràng cổ vũ người dân địa phương làm du lịch bằng chính văn hóa đặc sắc của mình (đặc biệt là ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng).Tăng cường đấu mối với các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái (như cơ quan hợp tác Quốc tế Ai Len, GIZ, FFI…) hỗ trợ, kêu gọi hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái.

Về lâu dài, Phải luôn nhìn nhận phát triển du lịch sinh thái là một bộ phận không thể tách rời trong phát triển du lịch chung của tỉnh. Ban hành cơ chế kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tỉnh Thanh Hóa, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Tập trung đầu tư hạ tầng và dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái, tạo được sản phẩm du lịch đặc thù (đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, thiết yếu như tuyến quốc lộ 217, tuyến đường 15A, 15C…) các trung tâm du khách, trung tâm thông tin du khách tại các khu du lịch; các tuyến đường điện hạ thế; thông tin liên lạc; cấp thoát nước; vệ sinh môi trường, ở mỗi khu du lịch sinh thái cần tập trung đầu tư các điểm du lịch cộng đồng, xem đây là điểm nhấn và là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng (như bản Hang, xã Phú Lệ, Quan Hóa; bản Kho Mường, xã Thành Sơn, bản Son Bá Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước; bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân,…) Đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm có tính đặc thù ở từng địa phương khác nhau. Mở rộng thị trường du lịch sinh thái, kết nối với các địa phương khác tạo thành các tour du lịch khép kín. Có thể liên kết với du lịch Hà Nội, Hòa Bình để cùng phát triển nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm xúc tiến quảng bá và làm du lịch; liên kết với các công ty du lịch có thương hiệu trong nước như Saigon Tourist, Viet Travel, HaNoi Tourist… để bước đầu đưa các tour đến với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; liên kết trong nội bộ các tuyến có những đặc điểm chung có tính chất hỗ trợ lẫn nhau.

Các ngành, các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau hơn, khẩn trương và đồng bộ hơn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể như việc lập dự án tôn tạo các di tích Lịch sử – Văn hóa cần có sự vào cuộc của ngành văn hoá, bảo tồn làng nghề thủ công cần có sự vào cuộc của Ban dân tộc, hội Nông dân. Các địa phương có tiềm năng du lịch sinh thái phối hợp với các ngành hữu quan, các doanh nghiệp trong việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch sinh thái. Mặt khác, cần có kế hoạch giám sát môi trường thông qua việc kiểm tra định kỳ các nguồn gây tác động môi trường, đặc biệt là việc kiểm tra việc xử lý rác thải, nước thải của các doanh nghiệp trong vùng có các điểm du lịch sinh thái./.

Khương Bá Tuân – Câu lạc bộ Lâm nghiệp Thanh Hóa

Tin Liên Quan